Sau ca sinh con thành công, chị Yến trở lại với lịch chạy thận 3 lần/tuần để duy trì sức khỏe. Nằm trên giường xung quanh là dây truyền, máy móc, chốc chốc chị lại xem đồng hồ. Chị mong hết giờ chạy thận để xuống thăm con đang nằm ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện Bạch Mai.
Chị Hoàng Ngọc Yến và con
Hết ca chạy thận, chị vội vàng xuống thăm con. Bé được hơn 1 tháng tuổi, khỏe mạnh, không phải thở oxy, sức khỏe được tiên lượng ổn định. Giây phút hai mẹ con gặp nhau khiến chị Yến quên hết bệnh tật cũng như thời gian khó khăn vừa trải qua. Chị bảo: Dù vất vả đến mấy, chị cũng cố gắng để có sức khỏe chăm con, nhìn con lớn khôn.
Nói về bệnh nhân Yến, TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, nơi chị đang chạy thận, không khỏi bất ngờ: Trong lịch sử 40 năm qua của Khoa, có 5 ca có thai nhưng chưa ai giữ được thai. Các trường hợp đó chỉ có thai vài tuần rồi hỏng. Với trường hợp của chị Yến, 7 năm trước, chị phát hiện có thai khi cơ thể mệt mỏi và đi khám. Cùng thời điểm này, chị được phát hiện suy thận và phải chạy thận. Mới chạy thận được 1 tuần thì chị Yến bị sảy thai. Sau đó, chị bắt đầu bước vào lọc máu chu kỳ. Từ đó đến nay, chị Yến đã lọc máu được 7 năm. Lần này, khi thai được 17 tuần, chị Yến mới phát hiện có thai do người chạy thận rối loạn kinh nguyệt rất khó phát hiện có thai. Hơn nữa, hội chứng urê máu cao giống nghén nên khó phát hiện.
“Khi biết mình có thai, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng vì sắp được làm mẹ, lo vì rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào cho con”, chị Yến nhớ lại.
Quá trình mang thai của chị Yến vất vả hơn các bà mẹ bình thường nhiều lần. Với quyết tâm của người mẹ và được sự ủng hộ của gia đình cũng như sự giúp đỡ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, chị Yến đã giữ thai với mục tiêu cố gắng tối đa giữ thai đến 34 tuần.
Động lực lớn
TS Nguyễn Hữu Dũng nhớ lại, suốt quá trình mang thai, chị Yến được chăm sóc rất cẩn thận. Giống bệnh nhân tim mạch, những người đang chạy thận nhân tạo đều được khuyến cáo không nên mang thai. Với phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, điều này thật khó, vì kinh nguyệt của họ không đều. Hơn nữa, họ lại được khuyến cáo không nên dùng thuốc tránh thai, do sẽ làm rối loạn kinh nguyệt, khó kiểm soát bệnh.
Nhớ lại quá trình điều trị cho bệnh nhân Yến, TS Dũng cho biết thêm, người chạy thận thường vô niệu, tức là không đi tiểu được, mỗi thời kỳ lọc máu đều tăng 1-3kg (tăng theo ngày). Bài tiết chỉ qua mồ hôi, hơi thở, lời nói… Như vậy, người chạy thận nhân tạo phải rút bớt nước đi từ mô, máu... Nếu việc rút ra này quá sẽ gây tụt huyết áp hoặc yếu tố nào đó ảnh hưởng đến thai, gây sảy thai. Ngược lại, nếu rút nước không đủ dễ gây phù phổi. Việc bác sĩ định lượng được lượng nước rút ra từ cơ thể người chạy thận đang mang thai rất khó. Tuổi thai tăng thì mẹ cũng tăng cân. Đây là tăng cân sinh lý nên tính toán khó. Hơn nữa, nồng độ ure trong máu phải duy trì ở mức cho phép, nếu không sẽ gây hại cho thai nhi.
Với hàng loạt khó khăn như vậy khiến các bác sĩ phải thận trọng trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Yến. Lường trước những rủi ro, khi thai bước sang tuần thứ 31, bệnh nhân có biểu hiện chuyển dạ, các bác sĩ đã quyết định mổ sinh cho bệnh nhân. Ca sinh mổ thành công, bé trai ra đời nặng 1,5kg, phải thở oxy, ăn xông, nuôi lồng ấp. Hiện sức khỏe của cháu bé ổn định. Còn chị Yến quay lại chạy thận nhân tạo và chăm con. Giờ đây, với chị Yến đứa con là động lực lớn để chị tiếp tục chiến đấu với bệnh tật và vui sống.
TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai: Trên thế giới có 52 bệnh nhân thận nhân tạo mang thai nhưng chỉ có 23 trường hợp sinh con thành công và 10/23 bé nuôi được, không có khuyết tật gì về thể chất và phát triển bình thường. |