“Trốn” mẹ đi Thanh niên xung phong
Tôi về thăm o Nhị trong những ngày cả nước hân hoan chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Từ thành phố Hà Tĩnh chạy xuống xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà khoảng 15 cây số, dọc con đường rộng rãi, thẳng tắp từ tỉnh lộ 9 về xã Thạch Kim cờ đỏ tung bay, các chương trình chào mừng như bóng đá, bóng chuyền... náo động rộn rã cả một vùng quê.
Không khó khăn để tìm được nhà o Lê Thị Nhị, o sinh năm 1946, ở làng chài Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). O Nhị là nguyên mẫu của nhân vật nữ trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật: “...Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt/ Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom /Áo em hình như trắng nhất”.
Chị Đặng Thị Liễu, thôn Giang Hà, xã Thạch Kim thấy chúng tôi hỏi đường đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà o Nhị, chị nói: “Chúng tôi vẫn gọi o là o Nhị vì o nổi tiếng là nguyên mẫu của cô gái trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong”, phần nữa là vì o Nhị không lấy chồng, 70 tuổi rồi nhưng vẫn con con gái nên vẫn gọi là o”.
“O Nhị từ hồi còn con gái xinh lắm!, cao ráo và trắng trẻo, đặc biệt o rất vui tính và hay nói đùa. Tuy nhiên số phận của o lại truân chuyên, hoàn cảnh gia đình neo đơn, chỉ có 3 mẹ con bám víu vào nhau mà sống. Khi chiến tranh kết thúc, o trở về quê nuôi mẹ già và chị gái, cũng đôi lần được người ta dạm hỏi nhưng vì thương mẹ già, thương chị đau yếu mà o Nhị cứ lần lữa không chịu lấy chồng. Đến lúc tóc điểm bạc, mẹ và chị gái cũng từ biệt mà đi thì o Nhị lại lầm lũi gánh hàng rong, ngày ngày chở ra gò cá buôn bán mưu sinh, sống tạm bợ qua ngày.” Hàng xóm của o Nhị rưng rưng kể.
Bước vào ngôi nhà cấp 4 nhỏ nhắn, tài sản không có gì đáng giá, chỉ có bộ bàn ghế cũ và một chiếc ti vi, gọi một lúc mới thấy o Nhị bước ra chào khách. Trước hình ảnh người phụ nữ già nua, còm cõi lủi thủi một mình trong căn nhà lụp xụp, tách biệt hẳn với những ồn ào náo nhiệt ngoài kia khiến chúng tôi không khỏi xót xa.
Rót nước mời khách, o Nhị tâm sự: “Năm tôi 1 tuổi, cha đi vận tải ở Thanh Hóa thì bị địch bắn chết. Đến năm 1945, trong trận đói lịch sử, ba anh chị trước của tôi đều không qua được, chỉ có người chị đầu và o sống sót. Sau đợt đó, mẹ tôi “tay thúng tay mẹt” ra bám gò biển Thạch Kim, kiếm mớ tôm, con tép nuôi con qua ngày.”
Năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, o Nhị viết đơn tình nguyện vào TNXP ở Khe Giao. O nhớ lại: “Lúc đầu tôi xin đi nhưng mẹ không cho vì nhà vốn đã neo người, lại thân con gái. Nên ngày nhận được giấy gọi của đơn vị, tôi chờ cho mẹ ngủ rồi mới khăn gói trốn đi”.
Đến năm 1968, o Nhị gia nhập đội phá bom cảm tử đoạn đường xã Nhân Lộc, cách Đồng Lộc chừng 3km. Ký ức về những năm tháng chiến tranh ác liệt vẫn còn hằn sâu trong tâm trí người phụ nữ từng dành tuổi thanh xuân để ra mặt trận san lấp hố bom kịp cho xe ra tiền tuyến, o kể: “Tuyến đường 15A ở xã Phú Lộc, huyện Can Lộc ngày đó bị giặc đánh phá rất ác liệt, khu vực ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm địch đánh phá để chặn đường xe qua”.
Vào thời điểm đó, o Nhị cùng đồng đội ngày đêm bám đường, phá bom để cho các đoàn xe kịp ra chiến trường. Trong một lần làm nhiệm vụ, một câu nói đùa của o TNXP Lê Thị Nhị đã trở thành nguồn cảm hứng cho cố nhà thơ Phạm Tiến Duật viết bài thơ nổi tiếng “Gửi em, cô thanh niên xung phong”.
Khi tôi hỏi về lần gặp gỡ định mệnh với cố nhà thơ Phạm Tiến Duật, o Nhị vừa cười vừa kể lại, từng chi tiết nhỏ như đã in sâu vào tâm khảm người nữ TNXP: “Đó là một tối năm 1968, đơn vị o làm nhiệm vụ phá bom, san lấp hố, thông đường cho xe qua. Đêm ấy, một đơn vị lính của Binh đoàn 559 từ trong miền Nam ra. Trong lúc chờ thông đường, có một người lính trông còn rất trẻ, có gương mặt đẹp với chiếc mũi cao và miệng cười rất duyên. Chú bộ đội đó nhảy từ trên xe xuống hỏi chuyện làm quen.”
“Khi chú ấy hỏi o quê ở mô thì tôi nói: “Quê em ở Thạch Nhọn”. Chú bộ đội thắc mắc: “Thạch Nhọn là đâu?” Lúc đó chị em cùng đơn vị đấm lưng nhau thùm thụp rồi cười ồ lên. “Thạch Kim là Thạch Nhọn đó, kim mô mà nỏ... nhọn hả chú”, một chị trong đội hóm hỉnh trả lời.” O Nhị vừa cười vừa kể lại.
“Thương em, thương em, thương em biết mấy...”
Nhắc đến những kỷ niệm thời đi lấp hố bom cùng đồng đội, khuôn mặt o trở nên rạng rỡ hơn, tươi vui hơn. Giọng nói đặc sệt dân miền biển cùng cách nói hóm hỉnh đúng như nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả: “Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn/ Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để.”
Từ buổi gặp chóng vánh đêm hôm đó, không ngờ lại là cơ duyên đưa o Nhị vào trong những vần thơ sống mãi với thời gian: “... Người tinh nghịch là anh dễ thân/ Bởi vì thế có em đứng gần/ Em ở Thạch Kim sao em đùa bảo anh là Thạch Nhọn/ Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón...”
Từ lúc vô tình “bước” vào bài thơ, đã có lần o Nhị gặp rắc rối vì tội “lừa bộ đội”. O nhớ lại: “Sau một thời gian gặp anh Duật, khi tôi đang làm nhiệm vụ ngoài đường thì có lệnh của Đại đội trưởng kêu về gấp. Chưa hiểu chuyện gì thì Đại đội trưởng nghiêm nghị nói: “O nói chi mà để người ta đọc trên Đài nói lừa Thạch Nhọn với Thạch Kim rứa?. Lúc đó tôi rất sợ, ngồi im một lúc lâu mới giải thích với Đại đội trưởng. Sợ bị kỷ luật, tôi năn nỉ xin Đại đội trưởng có kỷ luật thì cũng cho ở lại chăn trâu bò chứ đừng đuổi về vì trốn mẹ đi, nay bị đuổi về thì mang tội với mẹ lắm.”
Hoài niệm về tuổi xuân, về lý tưởng của người con gái miền biển từng trốn mẹ đi thanh niên xung phong, ánh mắt người phụ nữ ngoài 70 sáng bừng, trong trẻo và vui tươi. O kể cho tôi nghe về những ngày đạn bom ác liệt, chị em trong đơn vị bám sát đường, cứ bom vừa dội ở đâu là chị em đi lấp ở đó, kịp xong đường cho các đoàn xe chạy ra tiền tuyến. O hát lại những bài ca, câu hò, câu ví đối đáp của những người lái xe và chị em mở đường cho tôi nghe, rồi o kể những câu chuyện vui trong sinh hoạt thường ngày.
Nghe o kể lại rành mạch từng câu chuyện tôi như được sống trong cái không khí ấy, bom đạn kẻ thù không thể ngăn nổi niềm yêu đời, yêu cuộc sống, tinh thần sẵn sàng băng qua mưa bom bão đạn của những người TNXP ở Đại đội 555 thuộc Tổng đội TNXP 55.
Nhìn vào đôi mắt của o, tôi đã hiểu vì sao chỉ một vài phút ngắn ngủi gặp gỡ mà cố nhà thơ Phạm Tiến Duật đã cảm mến ngay người con gái này, một đôi mắt biết cười. “Ơi em gái chưa một lần rõ mặt/ Có lẽ nào anh lại mê em/ Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim/ Tên em đã thành tên chung anh gọi:/ Em là cô thanh niên xung phong.”
Chào o Nhị chúng tôi ra về khi trời nhá nhem, cũng là lúc o chuẩn bị bữa cơm tối, bữa ăn đơn giản chỉ một nồi cơm nhỏ dành cho một người ăn, vài con cá biển và đĩa rau luộc khiến tôi xót xa. Tôi nhớ lại câu thơ “Thương em, thương em, thương em biết mấy” của nhà thơ Phạm Tiến Duật viết cho o mà cảm thấy chạnh lòng. Thương o lắm, người TNXP tươi tắn, tinh nghịch ngày nào bây giờ đã thành một bà lão già nua và đơn độc.
Gặp o, chúng tôi càng hiểu được rằng sự tự do, hạnh phúc mà hôm nay thế hệ trẻ chúng tôi được hưởng, là nhờ công lao của các thế hệ trước, đã hi sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.