Gặp mặt, giao lưu các nữ Anh hùng, nữ điển hình tiêu biểu

22:07 | 02/06/2018;
Chiều 2/6, tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã có cuộc gặp mặt, giao lưu, tôn vinh các nữ Anh hùng, nữ điển hình tiêu biểu toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2018).
1-sua.jpg
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự Gặp mặt, giao lưu.
 

Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa; nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Trưởng Ban dân vận TƯ Hà Thị Khiết; nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cùng 124 đại biểu, trong đó có 2 nữ Anh hùng LLVTND, 12 nữ Anh hùng Lao động và 110 điển hình tiêu biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về dự. 

Phát biểu tại buổi gặp mặt, giao lưu, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: 70 năm qua, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rất nhiều phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân đã ghi dấu ấn trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tầng lớp phụ nữ.  

Thay mặt phụ nữ cả nước, Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với các bà, các mẹ, những người chị, người vợ, người con đã chiến đấu anh dũng, hi sinh quên mình góp phần đấu tranh giải phóng, thống nhất non sông; cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất, kiến thiết đất nước.

Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định: Bước sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các tầng lớp phụ nữ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống thi đua yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, năng động, sáng tạo, trí tuệ, bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành những người phụ nữ đảm đang, trung hậu, những nhà lãnh đạo nữ, nhà khoa học, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, nghệ sĩ, những doanh nhân nữ, nữ nông dân, nữ công nhân, nữ học sinh/sinh viên… xuất sắc trên nhiều lĩnh vực.

chi-thinh-sua.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (thứ 2 từ trái sang) tặng hoa các đại biểu.

 

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, câu chuyện về “đội quân tóc dài” huyền thoại, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”, phong trào “5 tốt”, phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; đồng thời chia sẻ những những bài học kinh nghiệm để truyền ngọn lửa, đam mê, cống hiến với cộng đồng và thế hệ trẻ trong các phong trào thi đua yêu nước.  

Tham gia Cách mạng từ năm 14 tuổi, 2 năm sau khi vừa 16 tuổi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã trở thành nữ biệt động thành phố Đà Nẵng. Kỷ niệm nhớ nhất của nữ Anh hùng là trận đánh tại nhà mẹ Nhu ngày 26/12/1968 khi quân địch bất ngờ ập đến. Mẹ Nhu đã hy sinh ngay trong nhà của mình để bảo vệ nữ Anh hùng và đồng đội. Giờ đây, trong cuộc sống đời thường, mặc dù luôn bị đau yếu, bệnh tật hành hạ do vết thương chiến tranh nhưng nữ Anh hùng vẫn luôn tích cực tham gia công tác xã hội, tham gia các phong trào thi đua yêu nước của địa phương và tích cực truyền ngọn lửa yêu nước, truyền nhiệt huyết cho thế hệ trẻ.

Với 20 năm gắn bó và thành công trong lĩnh vực kinh doanh cà phê và trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu cà phê sang rất nhiều nước, nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Anh lại dấn thân vào lĩnh vực mới là du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng, trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kotam. Qua đó, chị đã tạo việc làm cho gần 100 người dân địa phương, trong đó 2/3 là nữ, 62% là dân tộc Ê đê với mức thu nhập ổn định. 100% công nhân được bảo đảm các chế độ bảo hiểm; được trang bị quần áo bảo hộ lao động, được đi du lịch ngoại tỉnh hàng năm. Chị cũng đã tặng cho công nhân Công ty 10% cổ phần của mình trị giá 1,6 tỷ đồng…

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng chia sẻ những khó khăn trong quá trình vận động thay đổi nhận thức và tham gia ủng hộ của đồng bào dân tộc thiểu sổ và những khó khăn về vốn. Chị cho biết trong quá trình hoạt động, mấy lần thị trường biến động, gần chục nữ doanh nhân trong CLB góp vốn đã xin rút vốn, chị phải dốc toàn bộ vốn thời xuất khẩu cà phê, phải vay thêm 100 cây vàng để dự án triển khai đúng tiến độ và bảo đảm nguồn chi lương, thưởng bình ổn cho cán bộ, nhân viên. Năm 2016, chị đã trả hết nợ. 3 năm gần đây, tổng doanh thu của Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kotam đạt khoảng 4,5 tỷ đồng, thu hút bình quân 240 nghìn lượt khách mỗi năm, nộp ngân sách hơn 2 tỷ đồng.

Câu chuyện như lời tự sự của dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan khiến nhiều đại biểu rơi nước mắt. Mặc cho căn bệnh loạn dưỡng cơ hành hạ, Nguyễn Bích Lan đã khao khát mãnh liệt còn sống ngày nào còn phải học ngày ấy và trở thành dịch giả, nhà văn chuyên nghiệp với hơn 32 tác phẩm dịch, 6 tác phẩm sáng tác với tự truyện “Không gục ngã” đã truyền ý chí và nghị lực vượt lên nghịch cảnh cho rất nhiều bạn trẻ. Thông điệp mà Nguyễn Bích Lan gửi đến mọi người, đó là: Khó khăn chính là cơ hội. Thành quả đến với bất cứ ai biết vượt qua khó khăn.

giao-lua-sua.jpg
Từ phải qua: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Tám; chị Nguyễn Bích Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thành Lập, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau; Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Cộng đồng Kotam Nguyễn Thị Ngọc Anh; dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan.

 

Chị Nguyễn Bích Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Thành Lập, xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, chia sẻ, chị luôn tâm niệm học và làm theo gương Bác chính là cách học đối nhân xử thế trong cuộc sống hàng ngày và cụ thể bằng những việc làm, hành động thiết thực. Bản thân chị đã nhận bảo trợ 1 học sinh nghèo mồ côi đủ điều kiện đến trường từ lớp 1 đến lớp 5 và bảo trợ 1 cụ già neo đơn. Chị giúp 8 chị mượn 120 triệu đồng đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế. Chi hội do chị phụ trách vận động đóng góp tiết kiệm được hơn 300 triệu đồng cho chị em vay phát triển kinh tế gia đình và rất nhiều việc làm thiết thực khác.

Tại buổi gặp mặt, giao lưu, thay mặt thế hệ trẻ, sinh viên Nguyễn Yến Linh, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phát biểu bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của các bà, các mẹ, các Anh hùng liệt sĩ, Anh hùng Lao động, các thế hệ phụ nữ đi trước và hứa quyết tâm học tập làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, phấn đấu trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn