Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam; đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng lãnh đạo Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội và các ban, bộ, ngành trung ương; các đồng chí Thường trực Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TƯ Hội và hơn 130 nữ đại biểu Quốc hội.
Những năm qua, nữ đại biểu Quốc hội được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng và có những đóng góp quan trọng đối với đất nước. Từ nhiều nhiệm kỳ trước, Việt Nam luôn có Phó Chủ tịch nước là nữ và hiện nay có 03 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội là nữ cùng nhiều chị đảm nhiệm các vị trí trọng trách ở Trung ương và địa phương.
Trong các nhiệm kỳ Quốc hội, các nữ ĐBQH luôn được đánh giá cao và đã thể hiện được trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người phụ nữ tiêu biểu, đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Các nữ ĐBQH ở bất kỳ cương vị, cơ quan công tác, địa phương nào đều cố gắng học tập nâng cao trình độ, trau dồi bản lĩnh, rèn luyện kỹ năng, phấn đấu giữ vững phẩm chất người đại biểu nhân dân, gần gũi, gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội.
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 26,72% và đến nay là 27,1%, cao hơn so với trung bình của khu vực Châu Á (20%) và toàn thế giới (24.7%); tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh đạt 26,5% (tăng 1,37% so với nhiệm kỳ trước). Hiện có 18 tỉnh, thành phố có tỷ lệ từ 30% trở lên, trong đó có 9 tỉnh đạt trên 35%...
Những đóng góp của các chị đã góp phần hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đem lại hiệu quả tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của đất nước.
Nhân buổi gặp mặt, Hội LHPN Việt Nam cũng cung cấp thông tin về việc lồng ghép giới vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021-2030). Cùng với đó cung cấp thông tin về các hoạt động trọng tâm kỷ niệm 90 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam với đợt thi đua cao điểm "90 hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em", Đại hội thi đua yêu nước của Hội LHPN Việt Nam và chuỗi sự kiện Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam...
Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể sau: Tổng hợp báo cáo, kết quả cán bộ nữ tham Ban Chấp hành đảng bộ các cấp sau khi kết thúc Đại hội mỗi cấp gửi Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chỉ đạo kịp thời để đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW; tổ chức một số hội thảo trao đổi về các giải pháp góp phần tăng tỷ lệ nữ cấp ủy, nữ lãnh đạo, quản lý, nữ đại biểu Quốc hội khóa XV và nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026; rà soát, phát hiện, giới thiệu phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực làm nguồn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nguồn nữ ứng cử viên đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ; xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ Hội về nhiệm vụ tham gia công tác bầu cử của các cấp Hội....
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn