Gấp rút tìm lối thoát cho lao động mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19

17:42 | 10/03/2020;
Theo thống kê, có hàng chục ngàn lao động bị mất việc, thiếu việc làm hoặc phải chuyển đổi nghề do tác động của dịch Covid-19. Đặc biệt là lao động nữ trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ ăn uống, lưu trú bị ảnh hưởng nặng nề nhất cần giải pháp cấp bách trước mắt cũng như lâu dài hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.

Những ngày gần đây, trên cả nước liên tục phát hiện các trường hợp dương tính với virus Corona khiến các nhà hàng dịch vụ ăn uống, lưu trú trở nên đìu hiu, thưa vắng khách. Chị Thu Hiền, quản lý nhà hàng BBQ Hàn Quốc ở phố Nguyễn Thị Thập, quận Cầu Giấy – Hà Nội, cho biết: Ảnh hưởng dịch Covid-19, hơn tháng nay nhà hàng chỉ hoạt động cầm chừng. Nguồn thu bị giảm sút tới 80%, buộc phải cắt giảm nguồn lao động.

Theo chị Hiền, trước khi có dịch, nhà hàng phải sử dụng tới 50 lao động làm việc thường xuyên, phần lớn là lao động nữ. Trên tuyến phố này, nhà hàng nhỏ cũng có ít nhất từ 10 nhân viên. Đến nay, các nhà hàng giảm bớt nhân công để cắt giảm chi phí; dù chỉ còn có vài ba nhân viên phục vụ, nhưng tình hình kinh doanh ế ẩm khiến nhân viên phải ngồi chơi dài…

Cũng theo chị Hiền, những người bị mất việc gần như không kiếm được công việc khác, vì thực trạng chung các doanh nghiệp, nhà hàng, dịch vụ ăn uống lưu trú đều khó khăn giống nhau, buộc phải giảm chi phí bằng cách cắt giảm lao động đầu tiên. Lao động bị mất việc làm thì không còn lựa chọn nào khác là vê quê.  

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, riêng với lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống có 747 doanh nghiệp khai báo tạm dừng kinh doanh có thời hạn (tăng 114,7% so với cùng kỳ năm 2019); lĩnh vực bán buôn, bán lẻ cũng có tới hơn 6.000 doanh nghiệp (tăng 119%); doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí cũng tăng hơn 116% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Như vậy cũng đồng nghĩa toàn bộ người lao động trong hàng ngàn doanh nghiệp này bị thiếu việc làm, thất nghiệp.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến giữa tháng 2/2020, có khoảng 9.000 lao động bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống đã bị ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực nhất, làm hơn 1.000 lao động (ở 22 tỉnh/thành) bị mất việc làm.

Gấp rút tìm lối thoát cho lao động mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hơn 1.000 lao động lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống bị mất việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19

Bên cạnh đó, lao động ở các lĩnh vực nông, lâm, thủy hải sản cũng có tới trên 3.000 lao động; lĩnh vực vận tải, kho bãi với trên 1.100 người lao động; lĩnh vực xử lý rác thải, nước thải với trên 2.000 lao động bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau như giảm thu nhập, ngắt quãng ngày lao động do doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, hoặc phải chuyển đổi công việc…

Bài toán đặt ra hiện nay là cần có giải pháp trước mắt cũng như căn cơ lâu dài hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp, thiếu việc làm do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Người lao động ở lĩnh vực dịch vụ du lịch, ăn uống, lưu trú bị thất nghiệp, nếu có tham gia BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp thì cần phải thực hiện chính sách để người lao động có lương, duy trì cuộc sống trong thời gian tìm kiếm việc làm mới.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn doanh nghiệp.

Với hàng trăm ngàn lao động làm việc tại các nhà hàng rất khó trở lại làm việc trong lĩnh vực này, bởi phần lớn doanh nghiệp dịch vụ ăn uống bị tác động "kép" là dịch bệnh và chính sách phòng chống tác hại của rượu bia. Người lao động trong lĩnh vực này sẽ phải giãn ra lĩnh vực khác. Chính vì vậy phải gấp rút dùng giải pháp trợ cấp thất nghiệp và cố gắng đào tạo lại lực lượng lao động này, hỗ trợ họ chuyển đổi sang công việc khác theo nhu cầu, tránh tình trạng lao động thiếu việc làm, gặp khó khăn kéo dài.

Gấp rút tìm lối thoát cho lao động mất việc do ảnh hưởng dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Các nhà hàng vắng hoe khách, phải cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí. Ảnh HH

Liên quan vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có yêu các đơn vị chuyên môn của Bộ khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật về lao động để hướng dẫn các doanh nghiệp phương án xử lý do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong đó, cần lưu ý các trường hợp người lao động được tiếp tục hưởng lương, các trường hợp ngừng việc, việc giải quyết chế độ ngừng việc, tiền lương ngừng việc cho người lao động, các trường hợp doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, bị đình trệ sản xuất, kinh doanh hoặc phá sản…

Về Bảo hiểm xã hội, trưởng ngành lao động đề nghị hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các chính sách đảm bảo theo đúng quy định; thực hiện chi trả lương cho người lao động trong tình hình dịch Covid-19 được áp dụng theo Bộ luật Lao động 2012, quy định về tiền lương ngừng việc.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn