Chọn học ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Công đoàn để không làm bố mẹ buồn nhưng Ngọc Dung vẫn luôn cháy bỏng một đam mê, đó là được làm đẹp cho mọi người. Chính vì vậy, ngay sau khi tốt nghiệp, Dung đã khăn gói vào TP.HCM theo học trang điểm một cách bài bản.
Trong vòng 3 năm sau khi tốt nghiệp lớp trang điểm, Ngọc Dung không ngại lăn lộn làm thuê cho rất nhiều spa với mức lương cứng chỉ 1,5-2 triệu đồng/tháng. Mỗi nơi Dung làm một chút để tích cóp những kinh nghiệm làm đẹp cho chị em, từ chăm sóc da, đến móng chân, móng tay, trang điểm...
Năm 2015, Lê Ngọc Dung quyết định sẽ tự mở một spa cho riêng mình. Chỉ với hai bàn tay trắng và những kinh nghiệm có được từ những năm tháng đi làm thuê nhưng khó khăn không ngăn được bước chân cô gái trẻ. Để tiết kiệm chi phí, Dung tự mình làm tất cả các công việc, từ tìm địa điểm, thiết kế logo, thiết kế nội thất, đào tạo nhân viên...
Dung đã chọn phong cách Nhật Bản để tạo dấu ấn cho spa của mình. Bước vào Momo Spa, ấn tượng đầu tiên của khách hàng là những đóa hoa anh đào, một bàn uống trà theo phong cách Nhật Bản ngay ở phòng khách. Hương thơm dìu dịu của tinh dầu quế, một tách trà nóng và tông màu nâu trầm của gỗ, âm nhạc giàu cảm xúc... mang đến sự thư thái cho cả năm giác quan của khách hàng khi đến thư giãn và chăm sóc sức khỏe.
Sau ba năm gây dựng, các dịch vụ tại Momo spa khá đa dạng, từ trị liệu, chăm sóc da, thư giãn cơ thể, đến gói dịch vụ cho bà bầu... Đặc biệt, với những kiến thức trang điểm được đào tạo chuyên sâu, Lê Ngọc Dung đã được nhiều người yêu mến đặt cho biết danh “phù thủy trang điểm”, qua những màn biến hóa thần kì trên gương mặt theo nhiều chủ đề khác nhau và định hình phong cách trang điểm cho giới nghệ thuật.
Học cách “biết ơn” của người Nhật Bản
Điều Ngọc Dung tâm huyết nhất khi mở spa, chính là đã mang được văn hóa biết ơn vào từng dịch vụ của mình. Cô chủ của Momo spa chia sẻ: Quan hệ “biết ơn” là bài học quý giá nhất Dung thu nạp được từ những ngày theo học trang điểm tại TP.HCM. Trong mỗi buổi học, học viên không chỉ được dạy về những kỹ năng “múa cọ”, trang điểm trên gương mặt mà còn được giới thiệu những kiến thức về quan hệ “biết ơn” của người Nhật Bản.
Học sinh phải ở lại trực nhật sau khi kết thúc buổi học vì biết ơn dụng cụ, lớp học đã cho họ buổi học này. Sự biết ơn dành cho khách hàng còn thể hiện ở sự trân trọng, khi khách đi khỏi cửa hàng, người chủ cúi đầu 90 độ, cảm ơn khách hàng.
Ngay lúc đó, Ngọc Dung đã quyết định sẽ áp dụng văn hóa biết ơn ấy vào trong công việc của mình. Dung thường nói với nhân viên: “Bất cứ người nào mở cánh cửa của spa, cho dù là một người bán đồng nát cũng có thể là khách hàng tiềm năng nên phải đối xử tận tình nhất”. Dung luôn mong muốn đến với spa của mình, khách hàng và người chủ có văn hóa nhiệt tình - biết ơn, tương hỗ lẫn nhau, giúp nhau hoàn thiện dịch vụ một cách tốt nhất.
Trong hành trang khởi nghiệp, Dung luôn tìm động lực để quyết tâm, phấn đấu, bởi lẽ: “Nếu không có đủ động lực thì sẽ có đủ lý do để từ chối. Và một khi đã thôi thúc muốn làm thì lý do chỉ bé bằng con kiến”. |