Tại cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, 3 tháng đầu năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Các tổ chức quốc tế đưa ra nhận định khác nhau về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 nhưng cùng thống nhất về dự báo mức tăng trưởng thấp hơn năm 2022 từ 0,5 đến 1,2 điểm phần trăm.
Theo Báo báo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023, GDP quý I ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực dịch vụ thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.
Tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm một số ngành dịch vụ quý I/2023 như sau: Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%.
Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước.
Theo Tổng cục Thống kê, ngành dịch vụ đang thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%).
Về sử dụng GDP quý I/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.
Nhìn nhận thách thức là rất lớn khi kinh tế toàn cầu đang khó khăn nhưng lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho rằng vẫn có một số động lực tăng trưởng về cuối năm.
Thứ nhất, năm nay được xem là điểm rơi của đầu tư công trung hạn cũng như đầu tư phát triển hạ tầng (nằm trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch). Do đầu tư công là giải pháp quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân.
Thứ hai là tiêu dùng dân cư được kỳ vọng phục hồi sau 2 năm đại dịch. Theo ông Hiếu, điều này có được nhờ vào thu nhập của người dân tăng lên, đặc biệt trong tháng 7 này, Chính phủ sẽ điều chỉnh lương cho lao động trong khối nhà nước.
Thứ ba, xuất khẩu và công nghiệp được dự báo cải thiện trong nửa sau của năm 2023 khi kinh tế toàn cầu hồi phục. Việc du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trong quý đã giúp xuất khẩu dịch vụ tăng 3,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn