Bị đại dịch và lạm phát hạn chế về mọi mặt, thế hệ Gen Z buộc phải làm nhận các công việc phụ và làm thêm ngoài giờ để tăng thêm thu nhập. Họ có thể chọn làm người sáng tạo nội dung, buôn bán trên sàn thương mại điện tử, bán đồ ăn lề đường hay vận dụng công nghệ để làm thêm công việc khác. Qua đó, họ học hỏi được nhiều kỹ năng mới, kiếm thêm tiền để đến gần hơn với mục tiêu tự do tài chính.
Đối với một số nhóm người trẻ, không có ranh giới giữa công việc hay cuộc sống. Họ phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong một xã hội già hoá dân số như giảm phúc lợi xã hội hay nguy cơ mất việc do sự ra đời của trí tuệ nhân tạo.
Chuyên viên tư vấn nghề nghiệp người Singapore, Adrian Choo nhận định: “Phần lớn Gen Z ngày nay coi việc làm thêm là một phần tất yếu trong con đường sự nghiệp”.
Một cuộc khảo sát gần đây của công ty kiểm toán Deloitte cho thấy 46% Gen Z có công việc thứ hai ngoài công việc toàn thời gian. Nguyên nhân một phần là do họ đã trải qua một thị trường việc làm đầy biến động thời đại dịch.
Santor Nishizaki, một chuyên gia lãnh đạo có trụ sở tại Los Angeles chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng Gen Z tốt nghiệp đại học tại thời điểm rất khó khăn vì lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng phi mã. Rất nhiều người bắt đầu làm thêm trong thời kỳ đại dịch để trang trải cuộc sống”.
Trong số gần 15.000 Gen Z được Deloitte khảo sát từ khắp 44 quốc gia, 35% cho biết họ lo lắng nhất về chi phí sinh hoạt, 51% nói rằng họ sống bằng đồng lương từ nhiều công việc. Tuy nhiên, làm thêm cũng ẩn chứa không ít rủi ro như: làm việc quá sức, căng thẳng, hay không thực sự có chuyên môn về một lĩnh vực dù làm việc trong nhiều ngành nghề.
Hơn nữa, luật pháp đôi khi sẽ không bảo vệ những người làm thêm. Wendy Wong, luật sư việc làm tại Simmons & Simmons ở Hồng Kông chỉ ra: “Một trường hợp khá phổ biến chính là phía tuyển dụng thường ghi trong hợp đồng rằng nhân viên làm thêm không được tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, tôi khuyên những người trẻ tuổi nên xem xét thật kỹ hợp đồng, để đảm bảo không vi phạm bất cứ điều khoản nào”.
Meg Rutherford, 26 tuổi, là một luật sư thương mại tại Christchurch, New Zealand. Nhưng đến cuối tuần, cô ấy làm nhà thiết kế và tạo mẫu thời trang cho trẻ em từ 4 đến 14 tuổi tại những bữa tiệc. Vì từ khi mua nhà vào năm ngoái, cô đã phải gánh thêm một khoản chi phí khổng lồ.
Rutherford chia sẻ: “Mọi thứ đắt hơn bao giờ hết, tôi đã phải bỏ ra một khoản phí rất lớn để mua được nhà. Tôi phải kiếm thêm thu nhập bởi thực tế là chúng ta đang bước vào thời kỳ suy thoái và mọi thứ cực kỳ bấp bênh”.
Giờ đây, Rutherford đã ra mắt một trang Instagram để quảng bá hoạt động kinh doanh của mình vào tháng 3, bao gồm dịch vụ chăm sóc móng tay, móng chân, tạo kiểu tóc tại nhà và các dịch vụ khác cho trẻ từ 4 đến 14 tuổi.
Rutherford nhận thấy mạng xã hội là nền tảng cho bất kỳ ai muốn bắt đầu kinh doanh, và là một công cụ quan trọng để tiếp cận thị trường.
Rizky, 25 tuổi, là giáo viên dạy kịch tại một trường cấp hai ở thành phố Bandung của Indonesia, cho biết niềm đam mê thực sự của không phải là dạy học mà là sáng tạo nghệ thuật.
Nhưng sau khi xin ứng tuyển vị trí thiết kế đồ họa trong gần một năm mà không có việc làm, anh quyết định chuyển hướng và tìm kiếm thu nhập ổn định, chính là giáo viên dạy nghệ thuật sân khấu. Rizky chia sẻ: “Tôi cần một công việc ổn định để lo tài chính cho gia đình, và chi trả học phí cho em gái”.
Tuy nhiên vì quá đam mê với sáng tạo nghệ thuật, Rizky bắt đầu nhận các công việc tự do về thiết kế đồ họa trên các nền tảng như Fiverr và Upwork. Thù lao cho thiết kế tờ rơi, logo, tạo hình minh hoạ là từ 10 đến 30 đô (234.000 đến 704.000 VNĐ). Khoản lương cứng của anh cộng thêm thu nhập từ công việc làm thêm cũng đủ để khiến anh trang trải cuộc sống và chi trả cho các khoản khác.
Thậm chí sau khi hết ca làm ở trường, anh còn tham gia việc chụp ảnh cưới cùng bạn mình. Mặc dù hiện tại anh vẫn chưa tìm được công việc thiết kế đồ hoạ toàn thời gian, nhưng anh vẫn không từ bỏ niềm đam mê này.
Khi Singapore đang ở cao điểm của đại dịch, Vanessa Neo, 28 tuổi và Calvina Thenderan, 27 tuổi, quyết định bước ra khỏi vùng an toàn và thử một công việc mới mẻ, đó là kinh doanh đồ gia dụng trực tuyến.
Hai người gặp nhau khi làm việc tại một công ty đa quốc gia. Neo là người đưa ra ý tưởng hợp tác kinh doanh đồ gia dụng vào năm 2021 và Thenderan đã đồng ý. Họ đã ra mắt dự án Hom vào tháng 4/2022.
Hom vẫn đang trong giai đoạn phát triển, nhưng hai doanh nhân trẻ đã bắt đầu hợp tác với các thương hiệu khác và xuất hiện tại nhiều cửa hàng bán lẻ.
Trong suốt thời gian đó, Neo tiếp tục công việc hàng ngày của mình với tư cách là chuyên gia quản lý danh mục toàn cầu, còn Thenderan làm công việc kiểm soát doanh nghiệp.
Thenderan cho biết cả hai người đều phải vật lộn để đảm đương trách nhiệm của mình ở nhiều cương vị khác nhau. Chính điều đó khiến họ trở nên kiệt sức. Đối với họ, buôn bán là đam mê và là một cách để nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh, nhưng hiện tại họ chưa thể biến Hom thành một công việc toàn thời gian.
Neo nói: “Có rất nhiều điều cần suy nghĩ, chẳng hạn như nếu niềm đam mê của bạn trở thành công việc chính, thì chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được niềm vui khi được làm những gì mình muốn”.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn