Sáng sớm, một hàng khoảng 50 bạn trẻ gen Z xếp hàng dài trước cửa hiệu Meeli.Garasale tại 120 C5 Đặng Văn Ngữ, Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội (quán cafe Hầm Trú Ẩn). Đúng 9h giờ, cửa mở, dòng người ùa vào hơn hai chục gian hàng đã bày la liệt từ quần áo, giày dép, túi xách cho đến đồ mỹ phẩm son, phấn...
Trong nháy mắt, mọi người tìm những mặt hàng đã "lọt mắt" từ trước lên ngắm nghía, người đo thử quần áo có vừa vặn không, người níu lấy nhân viên nhờ tư vấn thêm về kiểu dáng, size số... Không khí sôi động, tấp nập nhưng không nhốn nháo...
Đặng Ngọc Mai, 23 tuổi, chủ cửa hàng "Meeli.Garasale", cho biết, Garage Sale hiện có 5 gian hàng bao gồm các mặt hàng thời trang, mỹ phẩm hay những món đồ handmade. Tất cả đều là hàng đã qua sử dụng được khách hàng ký gửi. Garage Sale diễn ra 2 tháng/lần, mỗi đợt mở thường kéo dài từ 20 đến 25 ngày.
Cô chủ tiệm Garage Sale cho hay, mỗi món đồ có giá dao động từ 40.000 đến 100.000 đồng. Mỗi hội chợ garage đều đón hơn 1.000 khách, ngày cao điểm doanh thu có thể lên đến 20.000 đồng.
Cửa hàng thời trang 2hand ra đời là bước đi đầu tiên đầy liều lĩnh của Mai và người bạn thân. Với số vốn ít ỏi chỉ từ 3 triệu đồng để cô có thể sắm những đồ cần thiết.
Hiện tại, cô đã xây dựng thương hiệu trên đa nền tảng mạng xã hội và đạt được 200 nghìn lượt followers trên Instagram và gần 18 nghìn followers trên TikTok cùng hơn 30 nghìn lượt thả tim.
Cùng với xu hướng tiêu dùng bền vững ngày càng được ưa chuộng, các sự kiện "Garage Sale" (buổi bán đồ cũ) đang dần trở thành một cách thức hấp dẫn để các bạn trẻ khởi nghiệp và kiếm thu nhập thêm. Theo thống kê, mỗi năm có hàng chục garage sale được mở ra, thu hút sự quan tâm các bạn học sinh, sinh viên.
Đặng Ngọc Mai chia sẻ: "Để có một buổi bán hàng suôn sẻ, trước khi diễn ra garage sale từ 1 đến 2 tuần khách hàng sẽ mang đồ đến ký gửi, 2 bên thỏa thuận giá bán, phân chia lợi nhuận và thời hạn ký gửi. Sau đó tôi làm nhiệm vụ là trung gian bỏ công sức quảng bá, bán hàng, nếu thành công sẽ kiếm được mức phí chênh lệch giữa sản phẩm và giá trị bán ra. Thông thường phần trăm lợi nhuận sẽ dao động từ 5% đến 30%".
Những bộ quần áo ký gửi ít khi giống nhau và độ mới lên đến 80 - 90%. Đa số là những kiểu dáng đẹp, size số phù hợp với người Việt Nam và đặc biệt giá phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên.
Là một trong những người đầu tiên khởi nghiệp ký gửi quần áo - Thư Vũ một dịch giả, cố vấn thời trang, CEO và co-founder của mô hình Coco Dressing Room (CDR), cho biết, không chỉ mang tới những giá trị đơn thuần về thời trang, loại hình này còn góp phần thay đổi tích cực về tư duy bền vững, truyền cảm hứng cho giới trẻ về lối tiêu dùng văn minh, tử tế.
"Công việc này đòi hỏi nhiều công sức và thời gian. Bởi cách thức và quy trình nhập- xuất của CDR không giống với việc kinh doanh các mặt hàng thời trang khác. Mỗi thứ chỉ có một món, một mức giá khác nhau, đến từ các nguồn cung khác nhau. Đây là một việc nhiều thử thách, đòi hỏi nhiều công sức, kinh nghiệm, sự kiên nhẫn", Thư Vũ chia sẻ.
Mua sắm có trách nhiệm hay thời trang bền vững là một hành trình dài. Thực tế cho thấy, Garage Sale cũng mang lại nhiều cơ hội thành công cho các bạn trẻ gen Z đam mê kinh doanh khởi nghiệp.
Xuất phát từ Mỹ và mới xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu, Garage Sale, hay gọi là "bán đồ cũ" đang dần trở thành một xu hướng mới trong nền văn hóa tiêu dùng tại Việt Nam. Nó xuất phát từ hình thức bán hàng cá nhân, thường được tổ chức tại nhà riêng hoặc trong các địa điểm như quán cafe, cửa hàng...
Garage Sale giúp người mua và người bán có cơ hội trao đổi các sản phẩm, đồ vật đã qua sử dụng. Đồng thời, Garage Sale còn thúc đẩy ý thức về văn hóa tiêu dùng bền vững, bảo vệ môi trường và sử dụng lại tài nguyên một cách thông minh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn