Khi mùa hè "nóng" lên với số lượt xin nghỉ phép đi du lịch, mạng xã hội tràn ngập các tin nhắn sáng tạo này. Một tin nhắn viết "On vacation. Hoping to win the lottery and never return" (Đang đi nghỉ.
Hy vọng tôi sẽ trúng số và không bao giờ trở lại). Một tin khác viết "The bad news is that I'm out of office. The good news is that I'm out of office" (Tin xấu là tôi không đi làm. Nhưng tin tốt cũng là tôi không đi làm).
Mervyn Dinnen, tác giả hai cuốn sách về văn hóa nơi làm việc, đồng thời là chuyên gia về nhân sự, cho biết: "Gen Z đã quen với phong cách giao tiếp thoải mái, dí dỏm, đi thẳng vào vấn đề và thể hiện ưu tiên của mình".
Gracie Board, Giám đốc marketing của Chi nhánh Công ty xây dựng Zenif tại Anh, chia sẻ, công ty đã nắm bắt xu hướng này. Board giải thích rằng nhân viên muốn dùng sự hài hước để khiến bầu không khí nơi làm việc vui vẻ hơn.
"Chúng tôi làm việc trong môi trường có nhịp độ rất nhanh. Vì vậy, chúng tôi luôn tìm cách để ngày làm việc của mọi người trở nên thú vị. Không ai trong nhóm chúng tôi cảm thấy khó chịu với xu hướng đó", anh nói. Tuy nhiên, đồng nghiệp lớn tuổi hơn có thể thấy khó khăn trong việc đón nhận xu hướng này.
Gen Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) dự báo sẽ chiếm khoảng 27% lực lượng lao động ở Anh vào năm tới. Trong khi các thế hệ trước thường thay đổi cách nói để thể hiện sự chuyên nghiệp trong công việc thì Gen Z lại không làm như vậy.
Mark McCrindle, đồng tác giả cuốn "Work Wellbeing", cho biết: "Chúng ta đang làm việc tại nhà hoặc trong môi trường làm việc linh hoạt. Điều đó tự nhiên tạo ra một môi trường làm việc thoải mái hơn".
Diễn đàn Reddit có nhiều bài đăng than thở về sự khác biệt thế hệ này. Những lời cuối thư truyền thống như "Best wishes" (Chúc mọi điều tốt lành) hay "Kind regards" (Trân trọng) đang được Gen Z thay thế bằng những cụm từ biểu cảm hơn như "Slay, serve, survive" (Làm tốt, thể hiện phong cách và vượt qua) hay "Heavy sigh" (Thở dài).
Ngoài ra, còn có những khác biệt về thế hệ tại nơi làm việc như nhân viên trẻ không kiểm tra email ngoài giờ làm việc, thích gọi video thay vì họp tại văn phòng và tan làm đúng giờ để tận hưởng lối sống "5 - 9" (từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối).
Trong khi những người thuộc thế hệ millennial (sinh vào khoảng đầu những năm 1980 đến cuối những năm 1990) lớn lên với văn hóa làm việc hối hả. Thế hệ của họ không tồn tại khái niệm làm việc tại nhà, đồng thời việc làm xuyên trưa hay về nhà trễ đã trở thành chuyện bình thường.
Vì vậy, khi đồng nghiệp Gen Z đặt ra ranh giới, điều đó có thể khiến một số đồng nghiệp lớn tuổi hơn khó chịu.
Gracie Board nói thêm rằng, nhân viên thuộc Gen Z thường thêm biểu tượng mặt cười vào e-mail để tránh cảm giác thô lỗ, phản ánh mong muốn làm hài lòng mọi người.
"Thế hệ millennial làm việc theo cách của họ để thăng tiến trong sự nghiệp trong khi Gen Z đang cố gắng giảm áp lực công việc và tận hưởng nhiều hơn", Board cho biết.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn