Ghen mù quáng khi thấy vợ 'mòn con mắt' sau sinh

12:24 | 18/11/2016;
Đã có lúc mái ấm nhỏ của chị chỉ đợi đến giây phút đổ sụp. Không hiểu vì đâu, hay sau một vài câu trêu đùa của những người làm cùng, bỗng dưng mỗi lần về nhà ngắm người vợ “gái một con”, anh lại nghi kị, cằn nhằn...

Nụ cười hiền, toát lên vẻ dịu dàng của chị Ngô Thị Vạn (SN 1973) ở con phố nhỏ của thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, càng ấn tượng khi cậu con trai 11 tuổi bẽn lẽn sà vào lòng để được mẹ âu yếm. Chị kể về chồng: “Anh ấy đi theo công trình, nên cuối tuần mới về với mẹ con em, nhưng ngày nào anh ấy cũng điện thoại về hỏi thăm vợ con rồi hẹn ngày về…”.

chi-van-vp.jpg
Chị Vạn (trái) trải lòng với người phụ nữ từng là chủ nhà tạm lánh, cứu giúp mẹ con chị nhiều đêm trước đây

Một tuần là khoảng thời gian không quá dài đối với một công việc phải xa gia đình, nhưng với mẹ con chị Vạn, thì khoảng cách ấy dường như đã đủ để nỗi nhớ cứ bung ra, đầy vơi.

Chị cười: “Có lẽ sau quãng thời gian sóng gió liên tục, cứ ngỡ vợ chồng, con cái sắp chia lìa nhau, giờ hàn gắn lại được, nên vợ chồng em mới cảm thấy mong ước được gần nhau, trân trọng những giây phút ở bên nhau”.

Chồng chị, anh Trần Kiên, gặp chị Vạn trong những lần cùng đi làm thuê các công trình. Anh Kiên làm thợ xây, còn chị là thợ phụ hồ. Sau ngày cưới, anh vẫn tiếp tục làm các công trình, xa nhà thường xuyên. Chị Vạn có bầu và sinh con nhỏ nên không đi làm cùng nơi với anh, mà nhận những việc làm thuê như gánh gạch, cấy gặt, trồng rau hoặc nhận nấu ăn cho nhóm thợ ở công trình nhỏ hơn gần nhà.

chi-van-vp2.JPG
Mô hình nhà tạm lánh không chỉ cứu chị Vạn khi bị chồng bạo hành, mà còn là sợi dây nối lại hạnh phúc cho vợ chồng chị.

Thời gian xa nhau bỗng trở thành thử thách với vợ chồng chị. Không hiểu vì đâu, hay sau một vài câu trêu đùa của những người làm cùng, bỗng dưng mỗi lần về nhà ngắm nghía người vợ “gái một con”, anh Kiên không mừng, mà bắt đầu tra hỏi, cằn nhằn, nghi kị vợ, hay nói bóng nói gió chuyện chị có phải lòng ai không?

Thấy chị không phản ứng, anh càng đâm ra nghi ngờ, ghen tuông mù quáng hơn. Chị lại vốn hiền lành, nên cứ “nín nhịn” chồng cho xong chuyện. Càng được đà, anh càng nổi khùng hơn, mượn rượu để có thể chửi bới vợ về tội “lăng nhăng”.

Ấm ức, chị Vạn chỉ biết khóc mỗi khi chồng “đổ tội vô cớ vào đầu”. Sự mặn nồng của vợ chồng chị cũng thưa dần với sự ức chế dồn nén trong mỗi người. Đỉnh điểm của sự ức chế ấy đã đẩy chị đến những phản kháng, rồi vợ chồng xung đột rồi sau đó, chị phải chịu cảnh bị chồng bạo lực. Ban đầu là những cái bạt tai, sau là đấm đá thẳng vào mặt, vào người. Những trận bạo hành cứ thế dày hơn, mạnh hơn. Nhiều đêm nghe tiếng bước chân của chồng về đến cổng, mẹ con chị nơm nớp ôm nhau rồi bỏ chạy khi thấy anh vung tay, vung chân về phía chị.

Nỗi đau tím bầm tay chân, mặt mũi cùng nỗi đau buồn tình cảm vợ chồng cứ thế rạn vỡ.

Khi biết hoàn cảnh của chị Vạn, chị em ở Chi Hội phụ nữ đã đến hỏi thăm, chia sẻ, khuyên giải giúp vợ chồng chị ngồi lại cùng nhau để giải tỏa, giải quyết vấn đề. Vào những đêm bị chồng đuổi đánh, chị Vạn ôm con chạy đến điểm lánh nạn của Hội Phụ nữ để tạm trú chân. Sau mỗi lần đó, người chồng đã ngay lập tức bị công an địa viên địa phương xử lý, mời lên trụ sở làm việc, cảnh cáo, yêu cầu cam kết không đánh vợ, còn cán bộ Hội lại đến nhà tìm anh khuyên giải, phân tích điều hơn, lẽ phải.

Bên cạnh đó, Hội LHPN thị trấn còn hỗ trợ chị vay vốn để đầu tư vào chăn nuôi lợn, phát triển kinh tế gia đình.

Phải qua nhiều lần tuyên truyền về hành vi sai trái, vi phạm Luật phòng, chống BLGĐ, thấy các đoàn thể vào cuộc rất thân tình, gần gũi giúp vợ chồng mình ổn định gia đình, anh Kiên đã hiểu được hành vi của mình, anh đoạn tuyệt với rượu, chăm chỉ đi làm, tình yêu thương vợ con dần trở lại với anh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn