Ghen tị với thành công của người khác

18:07 | 20/05/2024;
Thay vì ghen tị với thành công của người khác, những người trẻ cần có mục tiêu, lên kế hoạch làm việc để đạt được thành công, ước mơ của mình...

Thi xong, biết điểm, thay vì sung sướng khi được nghỉ xả hơi sau thời gian ôn thi căng thẳng thì Hoàng Thu Loan (ở Hà Nam) lại nhốt mình cả ngày trong phòng. Khi bố mẹ gọi ra ăn cơm thì cô tỏ thái độ khó chịu. Tưởng con gái bị điểm kém nên mới có thái độ như vậy, bố mẹ Loan đã gặng hỏi thì được biết, điểm thi của con khá tốt. 

Khi mẹ động viên rằng bố mẹ không đặt nặng thành tích, Loan mới tiết lộ lý do thực sự: "Không được học sinh xuất sắc là con sẽ thua cái đứa mà con ghét! Mẹ có biết như thế nhục nhã thế nào không! Kết quả thi của con như thế này, nó sẽ cười vào mặt con!".

Đây không phải là lần đầu Loan đau khổ, buồn bã vì cảm giác thua kém "người bạn mình ghét". Ở trong lớp, người bạn học này chính là "đối thủ" lớn nhất và cũng là "cái gai" trong mắt Loan. Hành động nào của người bạn đó cũng khiến Loan khó chịu. 

Đặc biệt, khi bạn đạt thành tích trong bất kỳ hoạt động gì, Loan đều không phục. Cô luôn cho rằng, người bạn đó không giỏi bằng mình, người bạn đó được thầy cô thiên vị. Loan cảm thấy thất vọng về bản thân, thấy bất công khi người bạn đó có những thành công và may mắn hơn mình.

Với Đào Tuyết Anh (25 tuổi, ở Ninh Bình), cô luôn cảm thấy không hài lòng với cô bạn hàng xóm, cũng là bạn cùng lớp của mình. Thấy bạn đỗ đại học, có một công việc tốt, có người yêu đẹp trai, thay vì vui cho bạn thì Tuyết Anh tỏ ra tức tối, khó chịu. Tuyết Anh cho rằng, người bạn đó may mắn chứ không phải giỏi giang gì. 

Tuyết Anh luôn phủ nhận thành tích của bạn hoặc nói những lời tiêu cực để bạn thấy mình không xứng đáng với kết quả đó. Luôn phán xét và ghen tức với thành công của bạn khiến Tuyết Anh mang năng lượng tiêu cực.

Theo các chuyên gia tâm lý, những người đố kỵ với thành công của người khác thường phải sống trong đau khổ, mất phương hướng vì chính họ không biết mình đang ở đâu. Những cảm xúc tiêu cực bào mòn con người, làm cho họ trở nên xấu xí hơn. 

Thay vì so sánh mình với ai đó, bạn có thể so sánh với quá khứ của chính mình, hướng bản thân đến phiên bản tốt đẹp hơn. Đặc biệt, cần nhớ, hạnh phúc bạn có được phải bằng sự cố gắng, nỗ lực để bản thân tốt hơn mỗi ngày, tuyệt đối không phải bằng sự hơn thua với người khác. 

Thay vì ghen tị với thành công của người khác, những người trẻ cần có mục tiêu, lên kế hoạch làm việc để đạt được thành công, ước mơ của mình. Muốn thăng tiến trong công việc, bạn cần không ngừng bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình. 

Đặc biệt, cần trân trọng những giá trị của bản thân và biết ơn những gì mình đang có. Đây là phương pháp hiệu quả để rèn luyện tư duy tích cực. Nếu biết trân trọng những giá trị của mình, họ sẽ thoát khỏi hố đen của sự so sánh và ghen tị.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn