Vừa mới bước lên khán đài, Ngô liền nói bức tranh này không phải do cô mua về hay sưu tầm, mà là "vật báu" của chồng.
Nói đến đây, Ngô tỏ ra có chút bức mình, giọng điệu hằn học thấy rõ. Người dẫn chương trình thấy lạ liền hỏi còn điều gì quan trọng liên quan đến bức tranh này nữa sao.
Ngô chia sẻ chồng cô là người thích sưu tầm cổ vật, thường tới lui các phiên chợ đồ cổ vừa dạo chơi vừa tìm kiếm vật quý. Người chồng đã tốn không ít tiền vào những món đồ mang về trưng trong nhà, trong khi Ngô không hề hiểu chúng "có gì mà đáng giá".
Cô chia sẻ thêm: "Kể từ khi mua được bức tranh này về treo trên tường, chồng tôi đi ra đi vào đều nhìn một lượt. Ngắm nghía liên tục mà không biết chán. Tôi cũng tò mò nhìn thử bức tranh vẽ gì. Trong tranh là tiên nữ thật sự rất đẹp, nhưng không đến mức vừa mới ăn cơm xong thì lại đến ngắm một chút, trước khi ngủ cũng không quên nhìn một lượt".
Chuyên gia và khán giả nghe Ngô nói mà không khỏi bật cười. Một vị chuyên gia nói đùa: "Dù gì cũng chỉ là bức tranh mà thôi, ra vào nhìn ngắm cũng là một thú vui của người đam mê đồ cổ. Đừng ghen như vậy chứ!".
Ngô đáp: "Chuyên gia cứ nói đùa. Tôi chỉ không hiểu cô tiên nữ có gì hay ho mà chồng tôi mê mệt đến vậy. Nên tôi mới hỏi ý kiến chồng, rồi mang bức tranh đến nhờ các vị kiểm tra, xem người này là ai, hay chỉ là nhân vật tiên nữ bình thường".
Chuyên gia nhận tranh và bắt đầu thẩm định. Lúc sau, chuyên gia lên tiếng: "Thật ra, tôi cũng mê đắm bức tranh này, nhưng cô có biết người phụ nữ trong tranh là ai không?".
Ngô lắc đầu, chuyên gia cười giải thích. Thì ra bức tranh này là Công chúa Văn Thành, được vẽ bởi bút dùng mực thư pháp tả người của thời xưa, vẻ mặt nhân vật sống động, trang phục cũng được đặc tả một cách tỉ mỉ.
Công chúa Văn Thành (628-680) được người Tạng biết tới như là Gyamoza, Hán ngữ là Hán Nữ thị hoặc Giáp Mộc Tát Hán công chúa, là một hòa thân công chúa nhà Đường, bà đã kết hôn với Songtsen Gampo, Tán Phổ đầu tiên của Đế quốc Thổ Phồn, qua đó thiết lập nền hòa bình giữa hai quốc gia trong thời gian Songtsen Gampo trị vì.
Không ai biết cha mẹ bà là ai, tên của bà là gì, "Văn Thành" không phải tên thật mà là phong hiệu khi bà được thụ phong tước hiệu Công chúa. Cho đến nay, thân thế của Công chúa Văn Thành vẫn chưa được làm rõ, đại khái chỉ biết bà là người trong hoàng tộc họ Lý của nhà Đường, không phải con gái của Đường Thái Tông Lý Thế Dân mà là con gái của một Thân vương nào đó.
Chuyên gia suy đoán, bức tranh này được vẽ bởi một họa sĩ thời cận đại, Dương Chi Quang. Theo đó, giá trị của nó ít nhất phải là 60.000 NDT (hơn 200 triệu đồng), là vật rất quý. Đồng thời, chuyên gia góp ý với Ngô rằng cô nên thông cảm và ủng hộ sở thích của chồng. Từ bức tranh này có thể nhận ra, chồng cô có con mắt khá tinh tường với đồ cổ.
Nghe lời chuyên gia, Ngô cũng thở phào nhẹ nhõm, không phải vì "chồng có tình cảm với người phụ nữ trong tranh", mà là biết được chồng không lãng phí tiền bạc vào đồ cổ giả mạo hoặc vô giá trị. Vốn dĩ chỉ mua tranh bằng mấy nghìn NDT, ai mà ngờ chuyên gia lại nói nó có giá khởi điểm 60.000 NDT.
Thật ra, sự lo lắng của Ngô cũng không phải vô cớ. Nhắm vào thú chơi đồ cổ trong văn hóa của người Trung Quốc, không ít cơ sở chế tạo đồ cổ giả mọc lên, các phiên chợ đồ cổ thì thật giả lẫn lộn. Không ít người đã chi ra số tiền lớn mà chỉ mang về món đồ giả mạo không hơn không kém. Do đó, nếu không muốn tiền mất tật mang, thì phải thật thận trọng và không ngừng trau dồi cho mình vốn kiến thức về văn vật và lịch sử nhất định.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn