Ghi sai hàm lượng là lừa dối người tiêu dùng

13:00 | 13/09/2016;
Sản phẩm có độ dung sai lên đến 30% nhưng doanh nghiệp chỉ công bố có 15%, đó là lừa dối người tiêu dùng.
Hiện nhiều sản phẩm có độ dung sai (phạm vi cho phép của sai số) so với công bố của doanh nghiệp rất lớn. Thậm chí, có sản phẩm vượt qua mức trên 30% so với công bố. Điển hình là một số vụ việc vừa được cơ quan chức năng phát hiện như cà phê nhưng thành phần không có cafein, nước mắm nguyên chất nhưng thành phần thực chất là hóa chất và hương liệu… khiến người tiêu dùng cảm thấy mình bị lừa.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, về nguyên tắc, dung sai càng nhỏ thì chất lượng sản phẩm càng cao, người tiêu dùng được hưởng lợi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều sản phẩm có độ dung sai quá lớn thì không thể chấp nhận được, vì như vậy là lừa dối người tiêu dùng. 'Với các chất có lợi cho sức khỏe, Bộ Y tế cần quy định hàm lượng tối thiểu; chất có hại cho sức khỏe thì phải có quy định giới hạn tối đa cho phép', ông Hùng cho biết.
cafe-1140.jpg
Nhiều sản phẩm là cafe nhưng không có cafein
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tại nhiều nước, theo quy định, hàm lượng một chất trong sản phẩm đạt 70% trở xuống (dung sai từ 30%) coi như hàng giả. Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam lại chưa có quy định này. Khi cơ quan chức năng phát hiện, doanh nghiệp lại đổ lỗi do các nguyên nhân khách quan thì không thể chấp nhận được. Ví dụ như công bố thành phần đạm chỉ 15%, nhưng khi kiểm tra, dung sai lên đến 25%, thậm chí 30%.

“Nếu sai số lớn do các nguyên nhân khách quan thì doanh nghiệp sẽ tính toán được. Nếu anh biết quá trình sản xuất, vận chuyển, chất lượng sản phẩm sẽ thay đổi đến 30% thì tại sao anh không công bố 30% mà chỉ công bố có 15%. Như thế, là lừa dối người tiêu dùng”, ông Phong nói.
anh-3.JPG
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
Cũng theo ông Phong, Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật và các hiệp ước quốc tế, nhưng việc bảo vệ người tiêu dùng được coi nhiệm vụ số 1. Hiện nay nước ta chưa có những quy định về khoảng dung sai này. Vì vậy, trước mắt, doanh nghiệp phải ghi công khai hàm lượng và dung sai trên nhãn sản phẩm. Cơ quan quản lý phải tăng cường công tác hậu kiểm để quản lý doanh nghiệp có ghi dung sai đúng với kết quả kiểm nghiệm không. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm, không thực hiện đúng việc công bố chất lượng sản phẩm cũng như quy định ghi nhãn mác sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Cũng theo ông Phong, mức dung sai cao nhất đối với các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm khoảng 20% là hợp lý, nhưng doanh nghiệp phải ghi trên nhãn mác để người tiêu dùng có thể nhận biết.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn