Giá cả "leo thang" khiến nhiều người phải chắt bóp từng đồng

09:19 | 15/06/2022;
Giá xăng tăng kéo theo nhiều chi phí khác tăng lên đáng kể. Có người tính toán thấy các khoản chi tiêu thiết yếu đã tăng gấp đôi so với tháng trước.

Nhiều quán ăn tăng giá

Bà Lê Thị Hương, chủ quán cơm bình dân ở Nguyễn Trãi, Hà Nội thừa nhận, thời điểm này khá áp lực khi mỗi lần đi chợ mua nguyên liệu về chế biến đều phải tính toán chi li từng chút một. Bởi lẽ, can dầu ăn 5 lít trước 110.000 đồng thì nay tăng gần gấp đôi, bó hành trước mua 25.000 đồng/kg thì nay 50.000 đồng/kg. Rồi tiêu, tỏi, bột ngọt… cái gì cũng tăng theo giá xăng dầu, vận chuyển.

"Từ tháng 4 vật giá đã tăng nhưng tôi quyết định giảm bớt lợi nhuận để giữ giá bán, bởi vì nếu tăng giá rất có thể lượng khách mua sẽ giảm đi do ai cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu nhiều hơn thời bão giá. Nhưng tới thời điểm này, tôi buộc phải tăng giá lên vì không thể gồng gánh mãi được".

Giá cả "leo thang" khiến nhiều người chật vật ứng phó, chắt bóp từng đồng - Ảnh 2.

Nhiều quán ăn buộc phải tăng giá vì không thể gồng gánh mãi được. Ảnh minh họa.

Cũng cùng suy nghĩ, anh Hoàng, chủ một cửa hàng đồ ăn nhanh ở Cầu Giấy cũng phải tăng giá bán vì nguyên vật liệu leo thang. "Nếu trước đây bình gas 12kg giá 400 nghìn thì nay tới 500 nghìn/bình. Chưa kể rau dưa, thịt cá trứng đều tăng. Tôi ví dụ bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt... tăng từ 3 đến 5 nghìn/kg, khoai tây tăng 5 nghìn/kg. Trứng gà loại vừa chỉ 28 nghìn/chục, thì hiện đã bán với giá 35 nghìn/chục, trứng vịt 38 nghìn/chục rồi".

Vì giá cả nguyên liệu tăng, dù muốn giữ giá để giữ khách nhưng vẫn buộc phải tăng để tránh lỗ vốn. Đơn cử như 1 suất bún chả giá 50 nghìn thì anh Hoàng tăng lên 55 nghìn, bún nem nướng giá 65 nghìn tăng lên 70 nghìn. "Nhiều khách hàng phàn nàn, giá món đã tăng lại đội thêm cước phí vận chuyển giao hàng tăng nữa nên khi món ăn tới tay đã tăng lên từ 10 nghìn đến 15 nghìn so với trước. Tuy nhiên tôi cũng chỉ biết xoa dịu khách hàng vì đây là tình trạng chung, không chỉ riêng quán ăn của tôi tăng giá".

Chị em văn phòng "méo mặt" vì bữa trưa đắt đỏ

Thói quen đặt đồ ăn trưa ở văn phòng không mới nhưng dạo gần đây bỗng xôn xao hơn vì là chủ đề nóng được quan tâm nhất. Vì sao? Là do giá cả tăng nên được dịp bàn tán thế thôi.

Gọi suất bún hải sản như thường lệ, Nhật Quỳnh cũng phải quay sang đồng nghiệp than vãn 1 câu vì giá tăng khiến cô bạn xót ví tiền: "Mình biết là giá xăng tăng sẽ kéo theo nhiều hàng hóa tăng theo nhưng mỗi lần đặt cơm trưa lại vẫn cứ xót tiền mà than thở. Mình nhớ cuối năm ngoái, đặt đồ ăn với đồng nghiệp giá món trung bình chỉ 35 nghìn cho cơm văn phòng, phở bún, cơm tấm thì đắt nhất cũng chỉ 55 nghìn/suất.

Giá cả "leo thang" khiến nhiều người chật vật ứng phó, chắt bóp từng đồng - Ảnh 3.

Bữa cơm trưa văn phòng bỗng đắt đỏ hơn vì "bão giá". Ảnh minh hoạ.

Giá vận chuyển ship dưới 5km chỉ 15 nghìn, mình đặt trên app có lúc còn được miễn phí luôn. Nhưng giờ thì thấy tăng giá lên nhiều quá. Cơm bình dân ăn no và đầy đặn cũng tới 45-50 nghìn/suất, phở bún, cơm tấm, cơm gà,... có suất tới 70 nghìn nhìn muốn chóng mặt. Chi phí vận chuyển thì cao nếu đặt vào khung giờ trưa nữa. Hầu hết không còn gói miễn phí vận chuyển nào cho các dịch vụ đặt đồ ăn trưa trên các app mình sử dụng".

Nhật Quỳnh thường có thói quen ghi chép chi tiêu theo tháng, cô bạn cho biết từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5 đã thấy các khoản chi tiêu thiết yếu như xăng xe, ăn uống tăng lên gấp đôi so với tháng trước. Cô bạn lo lắng hơn vì thu nhập vẫn chỉ ở mức đó. "Số tiền tiết kiệm mỗi tháng của mình bỗng giảm đi nếu tình trạng này tiếp diễn thì bắt buộc phải dùng khoản tiết kiệm để chi tiêu, tình trạng đi làm chỉ đủ tiền thiết yếu hoặc hơn nữa thì sẽ không trụ nổi, phải tính toán tìm chỗ làm việc trả lương cao hơn".

Giá cả "leo thang" khiến nhiều người chật vật ứng phó, chắt bóp từng đồng - Ảnh 4.

Bảo Hân không đặt đồ ăn trưa ở ngoài vì từ 1 tháng nay đã chuyển sang tự nấu ăn trưa mang đi làm để tiết kiệm chi phí. Nhưng nhờ tự xách làn đi chợ nên cô bạn càng biết rõ hơn việc giá cả tăng lên hàng ngày như thế nào.

"Cũng nhờ đi chợ nấu ăn mà mình biết giá cả tăng theo ngày hay theo tuần là như thế nào. Mới nhớ cách đây nửa tháng, đi chợ mua rau muống tới 15 nghìn/mớ mà giật mình thon thót. Trong khi điện thoại về quê thì gia đình cho biết ở chợ làng vẫn chỉ 5-7 nghìn thôi. Hay dầu ăn, bột ngọt, mắm muối cũng thấy cô chủ tạp hóa nói là tăng 4-8 nghìn so với năm ngoái. Mua gì cũng thấy tăng giá khiến mình càng sợ để mà chắt bóp nhiều hơn trong việc chi tiêu".

Mức thu nhập của Bảo Hân không cao nên buộc phải dè sẻn trong chi tiêu nếu không muốn âm tiền hàng tháng. Hân cho biết, đã đọc thông tin trên báo đài và thấy dự đoán giá xăng sẽ tăng nữa, cô bạn cảm thấy lo lắng khi phải thắt chặt chi tiêu nếu tình trạng này tiếp diễn.

Giá cả "leo thang" khiến nhiều người chật vật ứng phó, chắt bóp từng đồng - Ảnh 5.

Cũng nhờ đi chợ nấu ăn mà Bảo Hân biết giá cả tăng theo ngày hay theo tuần là như thế nào. Ảnh minh hoạ.

Nghĩ phương án tăng làm - giảm tiêu

Đội giá khiến nhiều người văn phòng có thu nhập trung bình đang phải đau đầu nghĩ cách xoay xở. Ánh Ngọc, một nhân viên chuyên về mảng content ở Cầu Giấy (Hà Nội) với mức lương 10 triệu/tháng mà tổng kết chi tiêu tháng 5 vừa qua chỉ dư ra được 2 triệu gửi tiết kiệm. Ngọc cho biết năm ngoái cũng với thu nhập này mỗi tháng gửi vào tài khoản tiết kiệm online 3 triệu đồng, còn bỏ được 1 triệu mua bảo hiểm nhân thọ cho mẹ.

Dự định cuối năm nay của Ánh Ngọc là có 1 số vốn nhỏ để kinh doanh online cùng với bạn. Nhưng với tình trạng này, dự định khó có thể thực hiện đúng được. "Ngoài việc thắt chặt chi tiêu, mình đang nghĩ tới phương án nhận làm thêm một công việc phụ vào buổi tối để tăng thu nhập, có thể hoàn thành dự định đã đề ra. Tuy nhiên, mình vẫn khá lo lắng vì cường độ làm việc liên tục sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và năng lượng làm việc lâu dài.

Mình thấy giá cả leo thang không chỉ làm ảnh hưởng đến kế hoạch của mình mà còn khiến tinh thần đi xuống. Nhìn số tiền tiết kiệm vơi dần, mình vừa lo lắng, vừa cảm thấy bất lực".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn