Vào ngày 6/7, CNN đưa tin, trong nhiều tháng qua chuyên gia dinh dưỡng Kazumi Sato ở một trường trung học cơ sở phía đông Tokyo đã nhận thông báo về giá nguyên liệu tăng vọt.
Hiểu rõ những khó khăn kinh tế mà nhiều gia đình học sinh phải đối mặt trong thời buổi hiện nay, chính quyền địa phương không muốn họ phải chịu thêm gánh nặng về bữa ăn trưa đắt đỏ ở trường cho con em mình.
Điều đó đồng nghĩa với việc, cô Sato phải liên tục điều chỉnh nguyên liệu chế biến thức ăn trưa ở trường học để đảm bảo luôn nằm trong phạm vi ngân sách hạn hẹp. Hiện tại, Sato cho hay cô phải thay thế các loại trái cây tươi bằng thạch hoặc một miếng bánh thủ công để làm món tráng miệng. Tuy nhiên, Sato lo lắng rằng cô sẽ cạn kiệt khả năng nghĩ ra các thực đơn nếu như giá tiếp tục tăng.
"Tôi không muốn làm các em học sinh thất vọng khi những gì chúng có thể cảm thấy là một bữa ăn quá nghèo nàn", Sato nói thêm.
Lạm phát đang ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối ở Nhật Bản. Đối với các trường học, giá thực phẩm tăng cao ảnh hưởng nhiều đến việc cân đối ngân sách của nhà trường. Trong khi đó, vấn đề dinh dưỡng cho các em học sinh được đất nước này đặt lên hàng đầu. Cô Sato chia sẻ rằng giá cho 18 lít dầu ăn đã cao hơn 300.000 đồng so với một năm trước, giá hành tây cũng đã tăng gấp đôi.
Tại phường Adachi của Tokyo, bữa trưa tại các trường trung học cơ sở công lập có giá 334 yên (58.000 đồng), trong đó gia đình tự lo là 303 yên (52.000 đồng). Một số nhà trường biết rằng, các gia đình có thu nhập thấp thường sẽ tìm cách tiết kiệm các bữa ăn ở nhà. Một số trẻ em trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè đã sụt cân đi trông thấy.
Chính quyền địa phương đã tìm cách hỗ trợ tài chính giúp các trường học giải quyết phần nào chi phí bữa ăn ngày càng tăng. Tuy nhiên, cô Sato lo lắng về viễn cảnh các thực phẩm sẽ tăng cao hơn nữa, nhất là cuối năm học khi điều kiện tài chính của nhà trường bắt đầu cạn kiệt.
Cô cho hay: "Mùa mưa năm nay kết thúc sớm hơn nên có thể ảnh hưởng lớn đến rau màu. Tôi lo ngại về việc giá cả sẽ tăng như thế nào trong mùa thu tới đây".
Giá đỗ được biết đến là một trong những loại thực phẩm được ưa chuộng nhất ở Nhật Bản. Một công nhân xây dựng cho biết: "Giá đỗ rất dễ nấu và rẻ hơn các loại rau khác".
Yozo Niizuma, 75 tuổi, một chủ cửa hàng cho hay, giá đỗ được nhiều khách hàng ưa chuộng từ lớp trẻ cho đến người già. Loại rau này rẻ hơn rất nhiều so với các thực phẩm đang tăng giá khác.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất giá đỗ lại đang phải oằn mình chống chọi với tình hình lạm phát, sức chịu đựng của họ đã đạt đến giới hạn.
Shoji Hayashi, 68 tuổi, chủ tịch Asahi Bussan, nhà sản xuất nông sản nổi tiếng ở Omitama, tỉnh Ibaraki, than thở: "Ngoài giá đậu xanh tăng cao, giá dầu cũng đang tăng và sự trượt giá của đồng yên khiến mọi thứ trở nên khó khăn".
Tại nhà máy của công ty ở Omitama, mỗi ngày sản xuất khoảng 40 tấn giá đỗ. Họ phải nhập đậu xanh để làm giá đỗ từ nước ngoài nhưng nguồn cung cũng khan hiếm, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao vì giá nhiên liệu đang leo thang.
Số lượng người làm giá đỗ đã giảm từ khoảng 550 người vào năm 1995 xuống còn khoảng 110 người vào tháng 1 năm nay. Gần đây, một số cơ sở sản xuất vừa và nhỏ đã ngừng kinh doanh.
Giá bán lẻ trung bình cho 100 gram giá đỗ là 15,33 yên (gần 3.000 đồng) vào năm 2021 và ít thay đổi trong 10 năm qua. Trong thời gian gần đây công ty Asahi Bussan gần như không kiếm được lợi nhuận nào từ giá đỗ.
Ông Hayashi nhấn mạnh: "Nếu tình hình này vẫn cứ tiếp diễn, ngày càng có nhiều nhà sản xuất buộc phải ngừng kinh doanh".
Nguồn: CNN, Asianews
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn