Gia đình Vũ Phan Mỹ Linh (29 tuổi, Hà Nội) gồm 3 thành viên dự định sẽ về quê nội ăn Tết Nguyên đán 2024. Ngoài những chi phí thông thường, trong tháng Tết cô dự tính chi thêm khoảng 20 triệu đồng, tăng gấp 3, 4 lần so với những tháng khác. Trong đó, biếu bố mẹ 2 bên 10 triệu, mua sắm cho nhà riêng 2 triệu, sắm sửa cho nội ngoại khoảng 3 triệu, lì xì 3 triệu và mua quần áo mới 2 triệu đồng.
“Trong tháng Tết, mình cố gắng để tiết kiệm và suy nghĩ kỹ càng khi mua sắm. Chẳng hạn, với cây quất, đào ngày Tết, mình sẽ chỉ mua những cây bé xinh để cho có không khí. Mình cũng tự dọn dẹp nhà thay vì thuê người để tiết kiệm hơn. Vợ chồng mình dự định sẽ sắm quần áo mới cho bé, còn bố mẹ tận dụng lại đồ cũ”.
Mỹ Linh cho rằng sai lầm phổ biến mà những người bận rộn hay mắc phải là đợi sát Tết mới mua sắm đồ đạc, quần áo. Khi đó, cô thường dễ xuống tiền mua đồ không cần thiết và quyết định theo cảm tính.
Bên cạnh đó, gia đình không dự trù trước 1 khoản để tiêu tết cho phù hợp thường sẽ chi tiêu khá lãng phí. Ngày trước Linh luôn quan niệm là chờ lương thưởng Tết rồi mới tính toán chi tiêu. Tuy nhiên, giờ cô đã dự trù khoản chi tiêu Tết từ sớm, hạn chế tình huống chi sạch lương thưởng do cảm giác vui ngày Tết cũng như tránh eo hẹp trong ngân sách nếu thưởng không nhiều.
Cũng giống như Mỹ Linh, gia đình Đặng Diễm Thúy (33 tuổi, TPHCM) dự tính chi gấp 2 lần trong tháng Tết so với thông thường. Trong đó, khoản chi vé máy bay khoảng 20 triệu đồng, quà Tết 10 triệu, lì xì 10 triệu và quần áo 5 triệu đồng. Tổng cộng khoản chi riêng cho Tết khoảng 45 triệu. Đặc biệt, Diễm Thúy dự tính sẽ mua vé máy bay trước ngày về khoảng nửa tháng. Sau nhiều năm săn vé Tết, cô nhận ra thời điểm Tết mua trước hay sau, giá vé không quá chênh lệch. Chờ gần Tết chốt được ngày về mua vé sẽ chắc chắn hơn, không cần phải đổi trả do có kế hoạch bất ngờ.
Diễm Thúy chia sẻ rằng trong những ngày Tết có 3 điều nên tránh để không chi tiêu quá tay. Đầu tiên, bạn nên hạn chế sử dụng thẻ tín dụng. Đây là hình thức tiêu dùng trước, trả tiền sau nên mọi người thường có xu hướng chi tiêu thỏa thích, thiếu kiểm soát. Thẻ có hạn mức càng cao, nhu cầu chi tiêu càng lớn.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh không lên ngân sách cho các hoạt động ngày Tết và không đánh giá được mức độ ưu tiên khi mua các món hàng. Diễm Thúy luôn tính đến 3 tiêu chí khi mua sắm bao gồm tính cần thiết, công dụng và có phương án thay thế nào rẻ hơn không.
Đối với Mỹ Linh, khi mua sắm Tết, yếu tố đầu tiên nên tính là “cần” rồi mới xét đến “thích”. “Trước Tết có một số món đồ mứt trà biếu tết hay đồ trang trí mình sẽ đặt mua sẵn vào giỏ hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sau đó, mình tranh thủ các dịp giảm giá mạnh cuối năm để kiếm được giá hời nhất. Khi lên kế hoạch như vậy, mình biết gia đình cần mua gì cũng như tiêu bao nhiêu tiền cho các món đồ. Và đôi khi, mình cũng sắm được những món đồ với mức chiết khấu đậm”.
Diễm Thúy cũng có một số lưu ý để không “tiền mất tật mang”. Đầu tiên là tránh sa đà vào những cuộc tụ tập cuối năm. Bên cạnh đó, lên kế hoạch tài chính chi tiết, xem xét và lược bỏ các hạng mục không cần thiết. Các gia đình cũng nên có ngân sách cụ thể.
Về kế hoạch chi tiêu sẽ tùy thuộc vào mỗi gia đình. Tuy nhiên, về cơ bản các gia đình nên tính đến một số hạng mục như quần áo, trang trí nhà cửa, bánh mứt hoa quả, quà Tết, tiền lì vì, vé máy bay/tàu xe, đãi gia đình ăn uống.
“Chi tiêu Tết có thể thoải mái hơn ngày thường nhưng cũng cần đảm bảo kỷ luật. Thoải mái khác với chi tiêu "bạt mạng". Đó là dịp thành viên gia đình gặp gỡ, nhiều khoản phát sinh bên ngoài nên mình cần có kế hoạch và ngân sách cụ thể”.
Trả lời câu hỏi có nên chi tiêu thoải mái ngày Tết hay không? Mỹ Linh cho rằng, những khoản như lì xì, biếu Tết bố mẹ là cần thiết và không thể lược bỏ. Còn nếu ngân sách eo hẹp, bạn nên hạn chế sắm đồ trang trí, quần áo tinh giản hơn và rất khó để chi tiêu tháng Tết giống với ngày thường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn