Cân đối chi tiêu trong gia đình như thế nào để có thể sống thoải mái mà vẫn có tiền tích lũy là một bài toán khá đau đầu. Đặc biệt với những gia đình vẫn đang phải trả nợ mua nhà mua xe, câu chuyện lập ngân sách còn khó khăn hơn.
Cùng gặp Nguyễn Thị Minh (25 tuổi), hiện tại đang sống ở thành phố Lào Cai, gia đình 3 người hiểu hơn quan điểm của cô trong tài chính gia đình cũng như cách cô quản lý chi tiêu.
Gia đình của Minh hiện tại mỗi tháng tháng sẽ phải trả góp nhà và xe 7 triệu đồng, phần thu nhập còn lại sau khi trừ khoản vay nợ là 20 triệu đồng. Với số tiền này, cô đã chia ra thành 6 phần với 60% cho chi phí sinh hoạt bắt buộc bao gồm tiền ăn, tiền học của con,...
Bên cạnh đó, 5% cho giáo dục, thường để mua sách tăng kiến thức cho vợ chồng và con đi học thêm môn năng khiếu. 10% cho đầu tư bởi vì cô có kinh doanh nên số tiền này được đẩy vào phần vốn để nhập thêm hàng mở rộng công việc. 10% để hưởng thụ chẳng hạn như các khoản phát sinh như ma chay, cưới hỏi. Còn lại 5% để cho đi, tức là những khoản mua quà cho gia đình 2 bên, bạn bè.
Thu nhập vợ chồng Minh khoảng 27 triệu đồng/ tháng, sau khi chi tiền trả góp hàng tháng vẫn có thể tiết kiệm được 2 triệu đồng. "Mỗi tháng mình tiết kiệm ít nhất 10% thu nhập còn lại tức 2 triệu đồng, đối với gia đình mình khoản này rất quan trọng. Những tháng kinh doanh thuận lợi, mình sẽ cất nhiều hơn. Song công việc kinh doanh sẽ luôn có những tình huống bất ngờ xảy ra chẳng hạn như công việc không thuận lợi hay có những tháng sức khoẻ các thành viên trong gia đình không ổn, số tiền này được sử dụng cho vấn đề này. Song, tính trung bình 1 năm, mình có thể tiết kiệm khoảng 2 triệu/ tháng", Minh chia sẻ.
Khi được hỏi về câu chuyện mua xe và mua nhà, cùng 1 lúc có 2 khoản nợ, Minh chia sẻ rằng sẽ có những áp lực nhất định. Trong khoảng 1 năm đầu vợ chồng cô thường xuyên "đau đầu" và lo lắng về khoản nợ lớn. Song, sau khi cố gắng cân bằng trở lại, Minh chia sẻ rằng khoản nợ đó là động lực giúp gia đình cô chăm chỉ kiếm tiền, nâng cao thu nhập hơn. Từ áp lực trở thành động lực và dần cân bằng được chi tiêu.
Minh hài hước chia sẻ rằng để tiết kiệm hơn, gia đình cô đã nêu cao khẩu hiệu "tăng xin giảm mua". "Nhà mình ở gần bố mẹ cả 2 bên nên những hôm lười nấu cơm, chúng mình thay vì đi ăn hàng thì sang nhà bố mẹ ăn ké . Bố mẹ chồng mình có khu vườn trên sân thượng với rất nhiều các loại rau, do vậy vợ chồng mình hầu như không bao giờ cần mua rau củ quả, tiết kiệm được 1 khoản chi cho thực phẩm".
Rau củ ông bà trồng
Bên cạnh đó, gia đình cô cũng tự nấu 3 bữa, và cố gắng chi tiêu mua thực phẩm hợp lý. Minh hạn chế mua đồ nhập khẩu do giá cao hơn mặt bằng chung, cũng như cân nhắc giá cả ở siêu thị và chợ để có thể mua đồ tươi ngon mà vẫn vừa tiền. Gia đình Minh vẫn thường xuyên tụ họp với bạn bè và người thân nhưng chủ yếu sẽ tổ chức tại nhà để tiết kiệm chi phí.
Các gia đình thường sẽ thích mua sắm nội thất hay đồ gia dụng bếp, cũng như quần áo cho con cái. Minh chia sẻ rằng để không chi tiêu bốc đồng, cô thường chia các khoản tiền dành cho những mục đích khác nhau ra tài khoản riêng để dễ kiểm soát hơn. Gia đình cô cũng hạn chế mua sắm trực tiếp tại cửa hàng vì dễ bị "mủi lòng" trước những sản phẩm không cần thiết hoặc đắt đỏ. Thay vào đó, cô mua hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử và chỉ mua khi cần chứ không phải vì giảm giá hay mong muốn của bản thân.
Những bữa cơm tự nấu của gia đình Minh
Để tiện theo dõi chi tiêu hơn, Minh thường xuyên ghi chép bằng ứng dụng sổ thu chi trên điện thoại. Điều này giúp cô nắm được nguồn tiền hàng tháng. Đồng thời ghi chép lại cũng giúp vợ chồng cô biết cách tiết kiệm và không tiêu xài hoang phí.
"Thật sự nếu không chi tiêu hợp lý, có bao nhiêu cũng hết. Để cuộc sống gia đình luôn thoải mái và không bị áp lực kinh tế thì nên có kế hoạch quản lý chi tiêu ngay từ đầu. Chia tiền thành các khoản nhỏ có hơi máy móc nhưng thực sự cần thiết, vì dễ kiểm soát hơn rất nhiều", lời khuyên của Minh về chuyện tài chính gia đình đến những bạn trẻ sắp kết hôn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn