Gia đình cán bộ chiến sĩ Công an là những hậu phương vững chắc

17:48 | 29/08/2019;
Đối với lực lượng Công an nhân dân (CAND), gia đình cán bộ chiến sĩ (CBCS) có vai trò quan trọng góp phần giúp Công an các cấp thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.
Ngày 29/8, tại Hà Nội, Bộ Công An đã tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng gia đình cán bộ chiến sĩ Công an hạnh phúc bền vững”.
 
phu-nu-vn-7.JPG
Bà Hoàng Thị Ái Nhiên (thứ nhất từ phải sang) - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham dự buổi tọa đàm
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh - Phó Cục trưởng XO3, cho biết: Mỗi gia đình CBCS Công an là những hậu phương vững chắc, kịp thời khích lệ động viên CBCS không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề, xứng đáng là thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân.
 
phu-nu-vn-8.JPG
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh - Phó Cục trưởng XO3 phát biểu tại buổi tọa đàm
Cấu trúc và các mối quan hệ trong gia đình CBCS Công an có sự biến đổi, trong đó, loại hình gia đình 4 thế hệ còn lại trong gia đình CBCS Công an rất ít, loại 3 thế hệ còn nhiều hơn nhưng vẫn trên đà giảm (theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ về thực trạng gia đình của 84/134 Công an đơn vị, địa phương đến tháng 8/2019, gia đình CBCS 3 thế hệ trở lên chiếm tỷ lệ 23% trong tổng số gia đình CBCS). Chỉ có loại gia đình 2 thế hệ (được gọi là "gia đình hạt nhân", chỉ có bố mẹ và con) là ngày càng gia tăng về số lượng. Những giá trị, truyền thống đã và đang bị tác động, thay đổi, xen lẫn với những chuẩn mực, hành vi của xã hội mới. 
 
phu-nu-vn-1.JPG
Toàn cảnh hội nghị
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cho biết thêm, hiện nay, đời sống của gia đình CBCS cơ bản ổn định, đáp ứng điều kiện sống và mức sinh hoạt; ở hầu hết gia đình, các thành viên gia đình quan tâm, chia sẻ giúp đỡ nhau (72,6% CBCS hài lòng về chia sẻ công việc gia đình của vợ, chồng, con và các thành viên khác); quan tâm giáo dục về cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè, với các thầy cô giáo và những người xung quanh (94% CBCS hài lòng về cách ứng xử của các thành viên gia đình); quan tâm, chăm sóc về sức khoẻ, học tập, rèn luyện kỹ năng trong cuộc sống đối với con trẻ (81,6% CBCS hài lòng về nuôi dạy con trẻ)…
 
phu-nu-vn-5.JPG
Ở thời đại nào cũng vậy, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng, đặc biệt là vai trò giữ lửa để có một gia đình yên ấm hạnh phúc
Đặc biệt, hầu hết gia đình cán bộ, chiến sĩ Công an đều đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá", gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết xây dựng cộng đồng, khu dân cư nơi đang cư trú. Hàng năm, có hàng trăm gia đình Công an được biểu dương, vinh danh gia đình tiêu biểu; hàng nghìn con cán bộ, chiến sĩ Công an đạt danh hiệu học sinh giỏi, chăm ngoan, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ (92,5% CBCS hài lòng về hạnh phúc gia đình mình).
 
69206318_377399992937217_6601589339266744320_n.jpg
Thiếu tá Trịnh Hữu Công - Phó Trưởng phòng 5, Cục V04 và con trai Trịnh Hữu Tùng. Gia đình anh là một trong những gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá" tiêu biểu của ngành Công An. Con trai anh tuy mới 6 tuổi nhưng cháu đã đạt được nhiều thành tích trong học tập. Kết quả này chính là nhờ sự vun đắp và nuôi dưỡng của vợ chồng anh
 
Ngoài ra còn những mặt trái của cơ chế thị trường, cuộc sống xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế và thời đại công nghệ lên ngôi đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống. Nhiều gia đình ít quan tâm con cái hoặc gặp khó khăn về kinh tế phải bươn trải nên không có thời gian chia sẻ, chăm sóc các thành viên trong gia đình. 

Với phụ nữ trong ngành CAND, phải thực hiện công tác trong môi trường rất đặc thù với những áp lực cường độ cao. Song, với bất kỳ công tác hay nhiệm vụ nào, chị em phụ nữ cũng hoàn thành phần việc được giao, góp phần quan trọng vào những thành tích chung của tập thể. Có được điều đó là một phần sự thấu hiểu, chia sẻ của các thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, phụ nữ vẫn là người có vai trò, thực hiện chức năng của gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc phải bắt đầu từ người phụ nữ. Việt Nam có câu "Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm", đề cao vai trò của phụ nữ trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

Theo số liệu khảo sát chưa đầy đủ, đến tháng 8/2019: 26,5% CBCS chưa có nhà, 10,5% CBCS ở nhà thuê hoặc mượn, 16,1% hộ gia đình CBCS thu nhập bình quân ở mức hộ nghèo, 19% CBCS chưa hài lòng về nhà ở, 24% CBCS chưa hài lòng về thu nhập và chi tiêu). CBCS Công an có thành viên trong gia đình bị khuyết tật hoặc không có khả năng chiếm tỷ lệ 7% trong tổng số CBCS, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các gia đình.

Có đến 2,3% CBCS thể hiện chưa hài lòng về cách ứng xử của các thành viên trong gia đình mình, 5,3% CBCS thể hiện chưa hài lòng về chia sẻ công việc gia đình của chồng, vợ mình và đặc biệt 5,4% CBCS thể hiện chưa hài lòng về chia sẻ công việc gia đình của con mình. Tình trạng ly hôn, ly thân của gia đình CBCS Công an xảy ra ngày càng cao (3,7% CBCS ly hôn, 0,2% CBCS ly thân trong tổng số CBCS đã kết hôn), để lại hậu quả về nhiều mặt đối với gia đình và lực lượng CAND.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn