Mẹ vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Mẹ VNAH |
87 tuổi, mẹ VNAH Lê Thị Thạo ở xã Dỵ Chế, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) vẫn rất minh mẫn, mẹ hướng đôi mắt mờ đục về phía bàn thờ bảo: “Ông ấy nhà tôi đây, tham gia kháng chiến cả chống Pháp và chống Mỹ. 2 thời kỳ, mỗi lần ông ấy cho tôi một giấy báo tử”. Lần đầu ông Nguyễn Đức Nghiệp tham gia đội công binh, đi phá mìn ở khu vực sông Luộc và chợ Đầu (huyện Tiên Lữ). Hôm ấy, ông bị sức ép của mìn văng xa nhiều mét, tim ngừng đập. Lúc mẹ Thạo chạy đến chỗ chông, anh em đơn vị đã lập bàn thờ, quân phục súng ống chỉnh tề chuẩn bị làm lễ khâm liệm, người ông Nghiệp đã được quấn lá cờ đỏ quanh người, đúng lúc đồng đội khiêng ông cho vào quan tài thì ông tỉnh lại.
87 tuổi, mẹ Lê Thị Thạo vẫn minh mẫn, tự nấu cơm ăn hàng ngày |
Sau lần hy sinh hụt ấy, ông Nghiệp chuyển vào đơn vị pháo binh ở miền Nam đánh Mỹ. Bẵng đi 3 – 4 năm ông mới về thăm nhà. Lúc này, cậu con trai cả đã 17 tuổi, đang học phổ thông, cũng tình nguyện theo chân bố lên đường.
Gần 2 năm sau khi con trai khoác ba lô lên đường, mẹ Thạo nhận được tin ông Nghiệp đã hy sinh trong một trận đánh không cân sức, cả tiểu đội của ông có 7 người không còn ai sống sót. Đó là năm 1968, ông Nghiệp hy sinh tại chiến trường Đông Nam Bộ, lúc ông 39 tuổi, là Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh 208B.
Mẹ cũng vui mừng được chính quyền địa phương, con cháu, bà con hàng xóm chúc mừng nhân dịp mẹ được nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng |
Nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi, thì 3 tháng sau, mẹ Thạo tiếp tục nhận được tin con trai cả là anh Nguyễn Đăng Hưng đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên hy sinh trong một lần đơn vị bị rơi vào ổ phục kích của địch. Đó cũng là lý do, mẹ Thạo tình nguyện tham gia vào đội du kích Hoàng Ngân, là cán bộ Hội phụ nữ của xã Dỵ Chế nhiều năm. Mẹ đã mất chồng, con, nhưng 4 người con của mẹ còn lại, không phân biệt nam hay nữ, mẹ tiếp tục động viên các con tham gia cách mạng. Hiện người con trai duy nhất còn lại của mẹ là Đại tá quân đội, đang công tác ở Hà Nội, 2 người con gái khác đều 1 thời là dân quân, du kích năng nổ.
Chồng và con trai hy sinh, mẹ vẫn động viên các con còn lại lên đường cứu nước. |
Lòng căm thù giặc không chỉ ở mẹ Thạo, mà mẹ chồng mẹ Thạo là cụ Lê Thị Dừa cũng có chồng và 2 con trai (chồng mẹ Thạo và em chồng, liệt sỹ quân y Nguyễn Văn Phát) và 1 con gái đều hy sinh.
Bố mẹ đẻ của mẹ Thạo cũng tham gia cách mạng từ sớm. Ông bà đẻ của mẹ Thạo đều là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, hàng chục năm lặng lẽ chở thuyền đưa cán bộ từ vùng tự do ra vùng cấm và ngược lại. Năm 1952, bố đẻ của mẹ Thạo đã hy sinh trong một trận càn của quân Pháp. Ông bà đẻ mẹ Thạo có 4 người con đều là du kích, bộ đội, thì cậu em kế mẹ Thạo cũng hy sinh ở mặt trận phía Nam.
Ghi nhận những công lao đóng góp, mẹ đẻ của mẹ Thạo là bà Trần Thị Diện và mẹ chồng của mẹ Thạo là bà Lê Thị Dừa đều được Chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng./.