Thầy Tám (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nay đã 92 tuổi, chân tay đã run nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh, giọng nói nhẹ nhàng, trầm ấm. Còn cô giáo Giác vừa trải qua cơn tai biến ở tuổi 85. Cả 2 đã đi gần cuối con dốc bên kia cuộc đời nhưng dường như trong sâu thẳm tâm hồn của họ thì học trò, trường lớp vẫn mãi là những ký ức sống động và vẹn nguyên nhất.
Năm 1949, khi tốt nghiệp Trung học Pháp - Việt ở Sài Gòn, thầy Tám về dạy học rồi là người khai sinh ra trường Tiểu học cộng đồng Nhị Quí (huyện Cai Lậy, Tiền Giang). Tại ngôi trường này, thầy đã gặp và yêu cô giáo Giác. Những năm chiến tranh, ấp Nhị Quí nằm trong tầm pháo kích của quân địch. Đêm nào đạn pháo cũng sàn sạt rít qua mái nhà, còn máy bay thì quần thảo rải bom cả ngày lẫn đêm.
Nhớ về những tháng ngày gian nan ấy, thầy Tám trầm ngâm: “Thời đó, vợ chồng tôi vừa nuôi đàn con, vừa chèo xuồng vào tận vùng sâu dạy học, rồi đào hầm cho học trò tránh bom đạn. Đói khát, thiếu sách vở nhưng tụi nhỏ ham học lắm”.
Đã đi gần cuối con dốc bên kia cuộc đời nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vợ chồng thầy Tám, trường lớp vẫn mãi là những ký ức sống động và vẹn nguyên nhất. |
Đi sơ tán, người ta lo mang theo của cải còn thầy Tám chỉ chăm chăm chuyện gồng gánh sách vở. Bao tải, ba lô nào cũng ních đầy sách. Số không mang nổi thì đóng gói kỹ càng, đào hầm cho sách trú ẩn. Đến nay, số sách ấy thầy Tám vẫn còn lưu giữ cẩn thận. Thầy lý giải: “Nghề giáo mà không biết cóp nhặt tri thức qua sách báo thì khó mà dạy cho hay, cho tốt được”.
Được dạy học ngay trên chính ngôi trường Nhị Quí khi xưa, chị Ngọc Thu, con gái của thầy, bồi hồi nhớ lại: “Ngày nhỏ, tôi vẫn hay theo cha mẹ tới trường. Hình ảnh cha mẹ cầm tay tận tình chỉ cho học trò từng con chữ đã ngấm vào trong tôi tình yêu nghề lúc nào không hay. Vừa là thầy, vừa là cha mẹ nên ông bà nghiêm khắc với con cái lắm, bởi con mình không dạy được thì làm sao dạy được học trò khác”.
Năm 1980, thầy Tám nghỉ hưu sau hơn 30 năm gõ đầu trẻ. Dẫu biết nhà giáo ở quê là nghèo và vất vả nhưng cả thảy 13 người con của thầy đều nối nghiệp cha mẹ. Họ lấy vợ, lấy chồng cùng ngành. Thế rồi cháu nội, cháu ngoại lại tiếp bước làm nhà giáo.
Thầy Tám chia sẻ: “Cách dạy con của tôi là không ép buộc con cái học hành. Nghề thì mình cứ để cho con cháu tự do lựa chọn nhưng chẳng hiểu sao nghề giáo luôn đắt hàng nhất”.
Chị Ngọc Thu (giữa) - con gái thày Tám nối tiếp công việc của cha mẹ |
Thầy Tám kể: “Cứ sáng sớm mùng 3 Tết là nghe tiếng gọi: “Cô ơi, thầy ơi” xôn xao trước cửa. Vừa chạy ra mở cửa thì pháo... bong bóng nổ. Học trò cũ của tôi, mặc dù tóc đã điểm nhiều sợi bạc nhưng hết tốp này tới tốp khác đến, chật cả nhà. Không đủ ghế, họ ngồi chung với nhau, thậm chí đứng mà vẫn vui. Đó là những giây phút thật hạnh phúc”.
Nghề giáo tuy nghèo về vật chất nhưng giàu có về tinh thần. Sau những giờ lên lớp, đại gia đình nhà giáo này thường quây quần bên nhau. Những bữa cơm đạm bạc nhưng ấm cúng cũng là buổi họp mặt để nhắc nhở nhau giữ trọn đạo nhà.
Trước cửa nhà là khoảng sân vườn với chậu bon - sai, cây kiểng, hoa lan ngập tràn hương sắc. Cứ sáng sớm, thầy Tám lại cùng cô Giác ngồi ngắm hoa, chuyện trò như thể ngày còn son trẻ.
Thầy bộc bạch: “Cả những lúc khó khăn cho đến khi đời sống đã khá lên chút ít, chúng tôi vẫn thường có những giây phút đầm ấm bên nhau như thế. Tết này, chúng tôi sẽ lại cùng nhau hạnh phúc chào đón những bước chân thương thân của học trò”.