Gia đình hãy là thành trì vững chắc chở che và bảo vệ con

09:00 | 25/07/2022;
“Là một trong những người tiến hành tố tụng giải quyết những vụ án hay sự việc có liên quan đến bạo hành gia đình, mà người bị hại là trẻ em, sau mỗi vụ án như thế, chúng tôi luôn xót xa và trăn trở tột cùng” - Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, Tòa án Nhân dân TPHCM chia sẻ.

Làm sao để công bằng xã hội, để pháp luật luôn đồng hành, che chở bảo vệ các em ngoài vòng tay ấm áp của tình thân của gia đình? 

Thẩm phán Bích Duyên nhận định, trẻ em là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương do đặc thù về mối quan hệ gia đình, xã hội, bị lệ thuộc về kinh tế, tinh thần, sức khỏe, thể chất, tâm lý... nên càng cần hơn nữa sự quan tâm, kết nối, gần gũi, chia sẻ, trợ giúp từ nhiều tổ chức trong xã hội, cộng đồng để các em mạnh dạn chia sẻ, tự tin hơn với sự hiểu biết và phát triển tâm sinh lý bình thường của mình. 

Gia đình hãy là thành trì vững chắc chở che và bảo vệ con - Ảnh 1.

Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, Tòa án Nhân dân TPHCM trong buổi tập huấn kinh nghiệm giải quyết, truy tố các vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em

"Tôi mong các con luôn được pháp luật bảo vệ, để các em tin rằng bên cạnh gia đình, người thân thì công bằng xã hội được thực thi nghiêm minh, chứ không riêng gì trong quá trình xét xử chỉ một vụ án nào đang được dư luận quan tâm" - Thẩm phán Bích Duyên bộc bạch.

Theo thẩm phán Bích Duyên, rào cản của nạn nhân là trẻ em bị bạo hành trong gia đình thường vấp phải chính là sự kêu cứu hay tố giác không kịp thời. Đa số các nạn nhân còn nhỏ, còn phụ thuộc kinh tế, thậm chí là phụ thuộc cả ý chí vào thủ phạm gây ra bởi mối quan hệ gia đình hay người thân. Các bé có thể bị kẻ xâm hại đe dọa, bé xấu hổ, rồi tự trách mình. Các bé cũng sợ kẻ xâm hại, bạo lực đe dọa sẽ trả thù; sợ phải hồi tưởng, nhớ lại việc bị xâm hại khi đi tố cáo. Các bé cũng sợ phải làm các quy trình giám định y tế... Thậm chí các nạn nhân nhỏ bé còn sợ không ai tin mình…

Nói về khía cạnh giới và độ tuổi có sự phân biệt rất rõ nét trong sự tổn thương nếu là trẻ em bị bạo hành, bạo lực, giết hại hay bị xâm hại tình dục. Bởi các em vẫn tin rằng, những người gây ra bạo lực có đặc quyền khống chế hoặc thừa sức sử dụng bạo lực khi các bé không làm theo ý muốn của họ.

"Với tư cách là một nữ thẩm phán cùng công việc đặc thù, bản thân tôi cũng có người thân, gia đình, con cái, tôi chỉ mong sao bên cạnh sự đồng hành của các tổ chức xã hội, sự nghiêm minh của pháp luật thì gia đình hãy luôn là thành trì, là rào chắn chở che bảo vệ các con vững tiến trong bước đường đời" – thẩm phán Bích Duyên tâm sự.

Cho dù cuộc hôn nhân của chính mình có viên mãn hay không thì các con cũng là "núm ruột" của mình. Trẻ thơ càng không có tội tình gì khi cha mẹ các bé không hạnh phúc, không thể tiếp tục chung sống. 

Thẩm phán Bích Duyên trầm giọng: "Tôi mong các cha mẹ hãy yêu thương và làm tròn trách nhiệm của mình đối với con trẻ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cá nhân tôi càng mong muốn truyền tải thông điệp đến các bậc cha mẹ: Đừng để các con cô đơn trong chính ngôi nhà của mình".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn