Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ gia đình bền chặt giúp làm giảm nguy cơ dẫn tới các hành vi nguy hiểm hay lạm dụng ma túy sau này, nhưng mới đây đã có một nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ đó cũng có thể giúp hình thành những kết quả tích cực.
Tiến sĩ Robert Whitaker, tác giả của nghiên cứu tại Đại học Columbia ở thành phố New York, cho biết: “Điều khác biệt ở nghiên cứu này là đã chỉ ra rằng mối quan hệ bền chặt trong gia đình có liên quan đến sự thành công của đứa trẻ, không chỉ là sự tồn tại hay khả năng tránh được các tổn hại về sau”.
Dữ liệu cho nghiên cứu được thu thập trên khắp châu Âu, châu Phi, châu Á và Nam Mỹ. Ở đây, sự gắn kết gia đình được xác định bằng điểm số trung bình của 5 hạng mục: Chăm sóc, hỗ trợ, an toàn, tôn trọng và hòa đồng. Đối với mỗi hạng mục, trẻ tham gia sẽ được cấp một bảng hỏi và được yêu cầu đánh giá xem chúng đồng ý với các câu nhận định ở mức độ nào, cho điểm từ 0 (không đồng ý) đến 4 (rất đồng ý). Ví dụ, để đánh giá tiêu chí “chăm sóc”, trẻ em sẽ được hỏi chúng đồng ý đến mức độ nào với ý kiến “cảm thấy an toàn khi ở nhà”.
“Bản chất của sự kết nối trong gia đình là khi trẻ em cảm thấy rằng chúng được đón nhận và nuôi dưỡng ở nhà, điều này cho phép chúng học được điểm mạnh và điểm yếu của mình trong một môi trường an toàn trong quá trình xây dựng bản sắc của riêng mình”, Whitaker nói.
Sự thành công, trong phạm vi của nghiên cứu, được xác định bằng điểm số trung bình của 6 hạng mục: sự chấp nhận bản thân, mục đích sống, các mối quan hệ tích cực với người khác, sự phát triển cá nhân, khả năng làm chủ môi trường và tự chủ. Tuy nhiên thang điểm đánh giá dao động từ 0 đến 10.
Không chỉ sống, mà còn sống tốt
Theo nghiên cứu, những đứa trẻ có mức độ gắn kết gia đình bền chặt nhất có khả năng thành công cao hơn 49% so với những trẻ có mức độ gắn kết gia đình kém bền chặt nhất.
Điểm số cao nhất trong cả 2 phần đến từ những đứa trẻ sống với cả cha và mẹ, có đủ thức ăn và gia đình không bao giờ phải lo lắng về chuyện tài chính.
Theo Elaine Reese, giáo sư tâm lý học tại Đại học Otago ở Dunedin, New Zealand, chỉ không mắc chứng trầm cảm hay lo lắng là chưa đủ để gọi là có một cuộc sống tốt. Bà nói: “Một cuộc sống tốt đẹp đòi hỏi phải có mục đích và ý nghĩa, đó là những gì thang đo mức độ thành công trong nghiên cứu này đánh giá.”
Làm sao để tăng cường kết nối gia đình
Theo Whitaker, người lớn có ảnh hưởng rất lớn đến không gian cảm xúc trong nhà, vì vậy điều quan trọng là phải tạo ra một không gian nơi trẻ em cảm thấy được dõi theo và lắng nghe.
“Người lớn nên tạo môi trường trong đó trẻ cảm thấy thoải mái để trò chuyện. Trong khi nói chuyện với trẻ, người lớn nên thể hiện sự quan tâm chân thành đến những gì con cái đang nói và cố gắng ngừng phán xét”, ông nói thêm.
Còn theo Reese, người lớn không cần phải làm những cử chỉ khoa trương để gắn kết với con cái. Những cuộc trò chuyện có ý nghĩa quan trọng đối với sự kết nối gia đình hơn là những chuyến du lịch đắt tiền.
Im lặng cũng là một hình thức giao tiếp hiệu quả khác. Theo Whitaker, con cái và cha mẹ hoặc những người chăm sóc dành thời gian bên nhau trong im lặng hoặc thậm chí cùng chạy việc vặt hoặc làm việc nhà cũng có thể tạo ra một mối gắn kết sâu sắc.
Những người lớn khác có thể tác động đến cách trẻ em phát triển
Trong tương lai, Whitaker cho biết ông muốn nghiên cứu tác động của các thành viên cộng đồng, như giáo viên, đối với trẻ em.
"Chúng tôi nghĩ rằng mối gắn kết với những người lớn không phải cha mẹ cũng có thể làm tăng khả năng thành công của thanh thiếu niên," ông nói trong một email.
Kelly-Ann Allen, nhà tâm lý học giáo dục và phát triển, đồng thời là giảng viên cao cấp tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc, cho biết các mối quan hệ bên ngoài cũng rất quan trọng và có tác động đến trẻ em, đặc biệt là trong giai đoạn sơ sinh và mầm non.
Bà nói: “Nếu trẻ sớm được trải nghiệm các mối quan hệ tin cậy lành mạnh, chúng cũng sẽ có nhiều khả năng xây dựng các mối quan hệ tin cậy lành mạnh khi trưởng thành.”
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn