Gia đình là nơi lấy lại niềm tin và nghị lực sống

10:18 | 26/06/2019;
Khi ốm đau bệnh tật, bạn sẽ càng hiểu không ai có thể một mình sống trên đời. Nếu bạn có gia đình, nghĩa là bạn còn nơi để dựa vào, lấy lại niềm tin và nghị lực sống.

Chưa cần khéo, chỉ cần tâm yêu thương

Chú thím và anh chị vừa trách móc vừa sụt sùi sau khi họ “phát hiện” ra tôi vừa trải qua những ngày ốm liệt giường mà không chịu cho ai biết để đến chăm sóc. Tôi đã thuê một cô hộ lý tranh thủ trông nom lúc truyền dịch, khi cần đi vệ sinh, tắm rửa. Tôi chủ động giấu bệnh vì khoảng cách xa xôi, tình trạng không nghiêm trọng, các anh chị lại đều đang nuôi con nhỏ. Vì chủ động nên tôi không tủi thân mà rất cố gắng tuân thủ điều trị để nhanh khỏi.

Phía giường bên cạnh, một chị khoảng 40 tuổi thì ngược lại. Người thân đều biết chị nằm viện nhưng chẳng có ai ở cạnh chị quá một tiếng. Chồng chị bảo “đã bao giờ chăm người ốm đâu” nên nhờ cả vào nhà vợ. Thế là mỗi lần thấy anh chồng của bệnh nhân ở giường kế tiếp gội đầu, thay áo quần, dỗ dành ăn uống, lấy khăn giấy lau mặt cho vợ, chị lại ngậm ngùi, có lần bật khóc, bỏ vào nhà vệ sinh vừa xối nước vừa khóc vì tủi phận mình. Bởi thế, chị đã từng từ chối điều trị vì muốn chấm dứt nhanh cơn đau của kiếp này. Cho tới khi nghĩ còn đứa con gái chưa tròn 10 tuổi, chị tự gọi điện cho “nhà đẻ” cầu viện vay mượn và quyết tâm phải khỏi bệnh về với con! Thực ra, khi ốm đau, thứ mà người ta cần dựa vào không hẳn là “kỹ năng” chăm sóc, sự khéo léo của hộ lý mà chính là những yêu thương vô hình từ phía người thân.

 

diem-tua-tinh-than-1.jpg
Tình thân như chất dẫn thuốc tới từng tế bào cơ thể (Ảnh minh họa)

 

Một dạo, chị cả của tôi phải nằm viện vì gãy chân. Khi tôi đang mang đồ ăn từ căng tin về thì một người đàn ông ở đâu lao sầm sập tới, dồn dập hỏi: "Cô ơi, tôi đi tìm vợ tôi, không biết "nó" đang ở phòng nào". Nghe anh gọi vợ bằng "nó", tôi nghĩ chắc lại một lão chồng tồi. Cuối cùng, vợ anh lại chính là người nằm cạnh giường chị tôi. Vừa nhận ra vợ, anh khóc "Giời ơi, thế mà trong điện thoại chú ấy bảo về nhanh không không kịp". Rồi anh quay ra "Thế là vẫn chưa thể lấy vợ mới, các bác nhỉ". Thật vô duyên! Chị bị gãy chân và tụ máu não phải mổ. Anh lóng nga lóng ngóng khi thay đồ cho chị nên cứ hoảng hốt “làm sao mình ơi!”. Khi thấy nét mặt vợ nhăn nhó vì vừa đau vừa nản vì sự vụng về của mình, anh lại tự động viên “từ từ tôi sẽ tìm cách, mình đừng giận”.

Hóa ra, anh dễ thương và tận tâm với vợ nên mọi người đều quay ra chia sẻ, hướng dẫn anh. Có lần mệt quá, anh ngủ gật, đập đầu vào chỗ chân đang băng bó của vợ. Chị đau quá nhưng thương chồng nên cắn răng chịu, không la. Rồi anh dè dặt nói nhỏ với tôi: “Cô sang thay đồ giúp chị. Cô chỉ cho anh xem nên tẩm bổ cho chị thế nào, anh vụng quá”. Lúc mẹ vợ lên, anh bảo: “Mẹ lên thăm rồi về đi, con chăm vợ con, con vụng nhưng con sẽ học, mẹ cứ yên tâm”. Nửa tháng sau, thấy anh “đảm” hơn hẳn khi mang đồ lót của vợ ra “chế” lại cho hợp với người gãy chân nằm liệt, khi thuộc làu loại thuốc vợ uống, khi biết gội đầu cho chị ngay tại giường. Ai cũng nói chị may mắn! Còn chị nói đời chị không bao giờ lỗ vì đã cùng anh gây dựng một gia đình!

Phép màu từ tình thân

Trong cuộc sống, chúng ta có thể gặp vô vàn khó khăn như thất bại trong sự nghiệp, bị lừa dối, bị chối từ. Những lúc ấy, dù cảm thấy “cả thế giới chống lại” thì bạn vẫn còn chính bạn, miễn bạn còn sức khỏe và ý chí. Còn khi ốm đau, bệnh tật là lúc cơ thể bạn còn chống lại chính bạn nên đó mới thực sự là lúc bạn bất lực, yếu đuối nhất, cần nhờ vả vào người khác. Tình yêu thương như một chất dẫn để đưa thuốc tới được từng tế bào nhằm loại bỏ mầm bệnh. Mà bạn có thể “cầu viện” tình yêu ấy từ đâu?

Tôi nhớ năm nhất đại học, sau một lần đi chơi, bạn tôi ngã từ trên cao rồi va vào đá dưới sông. Bác sỹ nói chúng tôi nên chuẩn bị hậu sự vì gãy đốt sống cổ, thời gian dài nhất chỉ còn một tuần. Cha mẹ, em trai, em gái của bạn, chú thím họ hàng từ đâu đều kéo tới cầu nguyện. Chúng tôi nắm tay, nắm chân, thì thầm vào tai bạn trong những lần được thay nhau vào phòng cấp cứu. Khi bạn tỉnh lại, bác sỹ nói đúng là phép màu nhưng có thể não bộ bạn tỉnh mà hệ vận động thì không hồi phục. Bạn đã cầu xin mẹ cho từ bỏ vì những cơn đau. Nhưng ánh hy vọng đầy yêu thương lẫn van xin của mẹ và em gái đã tiếp thêm cho bạn nghị lực. 10 năm sau, chúng tôi gặp lại, khi bạn đã trải qua nhiều lần vật lý trị liệu tại Singapore, Hà Nội, TPHCM thì bạn đã đi đứng bình thường, chỉ là cân nặng quá thấp so với một người trưởng thành. Nhưng bạn bảo bạn đã không hối tiếc gì nữa, cứ vui sống vì có một gia đình như thế đã là món quà quá lớn mà thượng đế tặng cho bạn rồi.

Yêu thương là một phương pháp trị liệu

diem-tua-tinh-than-3.jpg
Yêu thương là phương pháp trị liệu hữu hiệu (Ảnh minh hoạ)

 

Gia đình, trong một lúc nào đó có thể chỉ là “tổ chức” để bạn biết mình không cô đơn, đôi khi bạn không hiểu hết ý nghĩa của hai chữ gia đình. Nhưng lúc họ cùng bạn giành lấy sinh mạng, thì bạn có thể thốt lên gia đình là một ân huệ của thượng đế! Bác tôi đã nói vậy. Ngày nhận tin mình bị ung thư vú, cần đoạn nhũ sớm, bác lặng lẽ khóc trong bếp và định giấu bệnh. Bác lo lắng không biết ai sẽ chăm mình và ai sẽ chăm chồng con vì từ trước tới nay toàn bác lo cho họ.

Nhưng người con trai lớn đã nhận ra sự khác thường của mẹ ngay vào bữa tối, anh nói: "Có khi nào con nên đi chuyển giới để có thể được nghe mẹ chia sẻ nhiều hơn". Chồng bác, cơ mặt rất ít cử động nhưng lời nói thì đầy hài hước: "Bố đã loại bỏ tính nam để thành bạn đồng giới của mẹ con lâu rồi mà có được chia sẻ đâu, chắc bố con mình bị coi là trẻ con hết đấy". Ngay tối đó, bác đã tự tin nói: "Mẹ bị ung thư vú rồi, bác sỹ bảo đoạn nhũ". Và họ cùng ôm bác gái rồi bàn kế hoạch đi bệnh viện ngay hôm sau. Bác gái chưa bao giờ nghĩ mình vượt qua được con đường khó khăn, gian nan, mệt mỏi trong hành trình điều trị ung thư như thế.

Hơn 5 năm qua, nhìn lại, bác vẫn bảo: “Ngày ấy, nghĩ chỉ còn vài tháng hoặc một năm thôi…”. Trong những tháng ngày ấy, chồng bác, con bác đều đã tìm đọc, đã tham gia rất nhiều câu lạc bộ bệnh nhân ung thư, mua những cuốn sách viết về bệnh ung thư. Họ kiên nhẫn chờ bác sỹ hết giờ để xin được nói chuyện, được kể về bệnh tình của bác gái, kể về những thay đổi của bác gái để xin lời khuyên. Họ kể rõ ràng về sự thay đổi kể từ khi bác gái phải dùng thuốc hormone. Bây giờ, cứ 3 tháng, bác gái lại định kỳ tái khám ở bệnh viện K, còn chồng con bác đã như một cẩm nang về ung thư.

Một lần, tôi tới cảm ơn bác sỹ, nhưng bác sỹ bảo: “Không, công lao lớn nhất không phải của tôi, mà của chồng con chị ấy. Họ không chỉ biết yêu thương mà còn biết tìm hiểu có kiến thức để chăm sóc chị ấy . Đó mới là liệu pháp diệu kỳ”. Bác gái nhiều lúc xúc động thường tự trách: "Vì tôi mà các con và bố nó phải khổ". Lần nào bác trai và các anh cũng đáp lại: "Đã nói chúng ta là một gia đình cơ mà, sao mẹ cứ nhắc điều đó".

Gia đình đúng nghĩa là nơi bạn tự tin dám dựa vào khi yếu đuối khó khăn và nếu là gia đình với bạn thì chính họ thấy hạnh phúc khi được nâng đỡ bạn!

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn