Cha mẹ nào cũng dành nhiều công sức, thời gian, tình yêu thương cho con cái. Tuy nhiên, dù thương con đến mấy, chúng ta cũng phải hiểu thực tế là không ai có thể đồng hành cùng con đi hết cuộc đời. Vì vậy, thay vì bao bọc, ưu tiên hàng đầu là dạy con kỹ năng sống.
Muốn con trưởng thành vững chãi, cha mẹ cần lưu ý trau dồi cho con 6 kỹ năng sau đây:
Khả năng sống tự lập
Hiện nay nhiều gia đình quá cưng chiều con cái, xem con như tiểu hoàng tử, tiểu công chúa, không phải làm bất cứ việc gì. Hãy tưởng tượng xem trẻ sẽ ở trong hoàn cảnh và trạng thái thế nào một khi rời xa gia đình?
Cần phải để trẻ học cách tự mình giải quyết những vấn đề lặt vặt trong cuộc sống, học cách tự làm những việc của mình, tự dọn dẹp đồ chơi và cặp sách, tự buộc dây giày khi ra ngoài. Thỉnh thoảng, có thể giúp bố mẹ rửa chén hoặc lau bàn sau bữa ăn.
Khả năng giao tiếp
Ngày nay, nhiều trẻ em ở nhà chơi một mình, cha mẹ không có thời gian trò chuyện cùng, lâu dần trẻ trở nên ít nói, ngại chào hỏi người quen khi ra ngoài. Thực chất đây là biểu hiện của việc bé ít vận động xã hội.
Cha mẹ có thể cho con tham gia các hoạt động cộng đồng hoặc trại hè thiếu nhi... Điều này có lợi cho sự trưởng thành, đồng thời giúp rèn luyện kỹ năng giao tiếp của trẻ. Việc để trẻ học nói, học cách bày tỏ cảm xúc và quan điểm của mình là rất quan trọng.
Khả năng chấp nhận thất bại
Một phương pháp giáo dục rất phổ biến trong vài năm gần đây là không chỉ trích khi trẻ làm sai điều gì mà tập trung an ủi trẻ. Điều này không sao cả, nhưng suy cho cùng, khi những đứa trẻ lớn lên bước vào đời, xã hội sẽ không bao dung và vỗ về chúng như gia đình. Hiện nay, một số học sinh có hành vi dại dột sau khi bị thầy cô phê bình, điều này liên quan nhiều đến khả năng chống lại áp lực và sự thất vọng từ nhỏ. Vì vậy cần cho trẻ nếm trải mùi vị thất bại.
Ví dụ, lần sau khi trẻ phạm lỗi, nếu hành vi đó nên phạt thì có thể phạt, miễn là không quá đáng. Hãy cho đứa trẻ biết rằng quy luật của thế giới này không hoàn hảo như con tưởng tượng, có thể cha mẹ sẽ bao dung cho lỗi lầm của trẻ nhưng người khác thì không.
Kỹ năng quản lý tài chính
Bạn có thể cho trẻ một ít tiền tiêu vặt, nói với trẻ rằng số tiền đó nằm trong tầm kiểm soát của trẻ, con có thể chọn mua thứ mình thích. Trẻ sẽ tự nhiên biết phân bổ đồng tiền và tiêu dùng hợp lý.
Trong cuộc sống, thỉnh thoảng bạn cũng có thể nói chuyện với con về kiến thức quản lý tài chính, đảm bảo khi trẻ bước vào tuổi trưởng thành được trang bị tư duy, kiến thức đầy đủ. Bên cạnh đó, việc thiết lập thói quen tiêu dùng và tiết kiệm thông minh sẽ giúp trẻ thoát khỏi gánh nặng về tài chính. Trẻ sẽ chủ động hơn trong việc quản lý tiền bạc của mình.
Khả năng đọc thường xuyên
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ còn quá nhỏ để đọc bất cứ điều gì, nhưng thực tế không phải vậy. Đọc sách có thể nuôi dưỡng hứng thú học tập, rèn luyện khả năng im lặng và thiền định, mở rộng khả năng tư duy của trẻ, kích thích sự khao khát kiến thức, giúp trẻ học độc lập, biết quan sát thế giới. Đọc sách cũng có những lợi ích nhất định trong việc phân tích các vấn đề,...
Thời gian đầu, cha mẹ có thể cùng con đọc một số cuốn sách có tranh minh họa thú vị, dần dần khi trẻ hình thành thói quen tự đọc. Dạy con bằng làm gương tốt hơn dạy bằng lời nói.
Khả năng tự kiểm soát
Nói đến giáo dục con cái là phải nói đến khả năng tự chủ của trẻ. Nếu một người mất khả năng tự kiểm soát, giống như một chiếc ô tô mất phanh, sẽ dễ xảy ra tai nạn. Khi lớn lên, đứa trẻ nên biết bản thân cần có sự kiềm chế nhất định, không phải muốn làm gì thì làm.
Việc đặt ra các quy tắc trong gia đình, giải thích lý do vì sao phải đặt ra quy tắc và tạo chúng thành thói quen sẽ giúp con hiểu con sẽ phải làm gì và như thế nào là phù hợp. Ví dụ như: không được đánh nhau, không được nói tục, không được vứt đồ ăn…, và nếu ai không tuân thủ nguyên tắc sẽ bị phạt.
Bên cạnh đó, dạy con gọi tên của các cảm xúc như vui, buồn, giận, sợ hãi và giải thích sự khác nhau giữa cảm xúc và hành vi cũng sẽ giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của hành động của mình. Bố mẹ hãy động viên trẻ biết kiềm chế khi giận dữ và nên bộc lộ cảm xúc như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh.
Về một số việc nhỏ, nên cho trẻ tự làm thử, sau khi trải nghiệm để trẻ tự cân nhắc xem mình có làm được hay không. Những đứa trẻ được nuôi dạy theo cách này sẽ không làm bất cứ điều gì khác thường một cách bốc đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn