Gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa: Bố mẹ mất, 2 con vẫn "khép cửa" với xung quanh

07:56 | 05/04/2023;
Sau khi bà Thành mất, ông Thái đưa 2 con rời bỏ khu vườn bí ẩn về quê với hy vọng họ sẽ hòa nhập trở lại với xã hội. Thế nhưng, tất cả diễn biến sau đó khiến ai cũng bất ngờ.

Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã phản ánh, từ một gia đình khá giả, bỗng nhiên vào năm 2001, gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở xã Thành Vân (nay là thị trấn Vân Du, Thạch Thành, Thanh Hóa) bất ngờ bán hết đàn trâu bò, mua hàng vạn chiếc bát, hàng ngàn chiếc lưới cày, rất nhiều sắt thép về treo lên cây và chôn trong vườn, trong nhà…

Sau đó, mẹ con bà Thành gần tuyệt giao với thế giới bên ngoài và chỉ khi nhà hết những nhu yếu phẩm cần thiết thì ông Mai Văn Thái (chồng bà Thành) mới xuất đầu lộ diện nhưng ăn mặc vô cùng kỳ dị đi mua nhu yếu phẩm, sau đó về lại ẩn giật trong khu vườn bí ẩn.

Khó khăn hòa nhập trở lại

Gia đình ấy có gặp biến cố lớn khi vào năm 2022, bà Thành đột ngột qua đời và được họ hàng đưa về quê Nga Sơn mai táng. Sau đó, người thân cũng đã khai quật khu vườn bí ẩn và đào lên hàng chục tấn sắt thép.

Toàn bộ khu vườn đã được dọn sạch sẽ, tất cả sắt thép được chở về quê. Ông Thái và 2 người con là chị Thanh và anh Toàn cũng rời bỏ khu vườn để về Nga Sơn sinh sống. Rất nhiều người đã hy vọng, từ thời điểm này các thành viên còn lại trong gia đình bà Thành sẽ trở lại cuộc sống bình thường.

Gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa: Bố mẹ mất, 2 con vẫn "khép cửa" với thế giới bên ngoài - Ảnh 1.

Ngôi nhà hiện tại của chị em chị Thanh và anh Toàn đang sống.

Chị Thúy, người hàng xóm thân tình với gia đình ông Thái, cho biết: Thời gian mới về quê, 2 chị em Thanh và Toàn đã sống như những người bình thường. Thậm chí, mọi người đã tính tới sẽ tìm việc để hai chị em đi làm.

Thế nhưng, tia hy vọng vừa lóe lên đã vụt tắt. Ở quê được một thời gian ngắn, chị Thanh và em trai nhớ núi rừng nơi Thành Vân, nhớ khu vườn họ đã gắn bó hàng chục năm qua và quyết định quay trở về Thạch Thành.

Ông Thái sau khi về quê đã lâm bệnh nặng nhưng sau khi 2 con về lại nhà cũ, ông Thái cũng đạp xe rời bỏ quê hương tìm về chốn xưa. Đến cuối năm 2022, ông Thái qua đời. Chị Thanh đã thông báo ngay cho người thân ở quê đưa ông về mai táng.

Sau khi cả bà Thành và ông Thái qua đời, rất nhiều người đã lo lắng cho chị Thanh và anh Toàn bởi dù bố mẹ chọn cách sống lập dị nhưng ông bà vẫn là chỗ dựa cho 2 chị em. Là cán bộ lâm trường về hưu, vợ chồng ông Thái đều hưởng lương hưu. Nay ông bà mất, không biết chị em Thanh lấy gì để sống.

"Mới đây, thấy Toàn đi chiếc xe máy cũ ra thị trấn mua thức ăn, tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Sau đó, Toàn còn lên nhà tôi mượn xe bò về chở phân để trồng ngô. Phải đến 20 năm nay, Toàn mới ra ngoài tiếp xúc với hàng xóm", chị Thúy chia sẻ.

Thấy chị Thanh và anh Toàn đã thay đổi, nhiều người trong xóm rất vui mừng. Tuy nhiên, theo chị Thúy vẫn cần rất nhiều thời gian mới hy vọng hai chị em hòa nhập với thế giới bên ngoài.

Một ngày cuối tháng 3, trở lại Thành Vân, tìm đến "khu vườn bí ẩn" nơi gia đình bà Thành sinh sống, tất cả đã thay đổi hoàn toàn so với lần đầu tiên chúng tôi đặt chân đến đây.

Khu vườn rậm rạp giờ đã là những ruộng ngô, ruộng sắn xanh biếc. Chị Thanh và anh Toàn đang cần mẫn lao động như bao người nông dân thực thụ. Tuy nhiên,  2 chị em vẫn ăn mặc kỳ dị như xưa. Thấy người lạ, cả 2 chị em vội vàng chạy vào nhà.

Phải nhờ chị Thúy xuống thuyết phục, Toàn mới đồng ý gặp chúng tôi nhưng là ở nhà chị Thúy. "Các anh đừng hỏi gì đến chuyện gia đình, tất cả đã khép lại rồi", Toàn tỏ ra căng thẳng.

Gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa: Bố mẹ mất, 2 con vẫn "khép cửa" với thế giới bên ngoài - Ảnh 2.

Chị Thanh và anh Toàn đã nuôi gà, trồng sắn, trồng ngô nhưng vẫn ăn mặc kỳ dị như trước và không muốn tiếp xúc với người lạ.

Anh Toàn vẫn ăn mặc kỳ dị như cách đây 6 năm. Dù giữa cái nắng 39 độ C nhưng anh Toàn vẫn trùm kín đầu bằng chiếc mũ tự đan bằng dây cước, bên ngoài đội chiếc nón. Trong người, vẫn đeo nhiều dây dợ và cả sắt nhưng anh Toàn không nói lý do vì sao lại làm như vậy.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xuống thăm nhà, anh Toàn cho biết "chị Thanh là người quyết định". Sau khi đợi anh Toàn về xin phép chị, chúng tôi đã được vào nhà với điều kiện "chỉ vào đến sân, không được quay phim, chụp ảnh, không được hỏi han về đình".

Biết anh Toàn là người nóng nảy và phản ứng rất gay gắt, hơn nữa lúc nào cũng lăm lăm con dao trên tay nên chị Thúy và những người hàng xóm đã căn dặn chúng tôi phải thực hiện đúng như những gì anh Toàn yêu cầu.

Bên cạnh ngôi nhà nhỏ được quây tôn kín mít do chính tay anh Toàn và chị Thanh tự làm, cuộc trò chuyện diễn ra khá cởi mở khi "không nhắc đến chuyện trước đây". Nói về cuộc sống hiện tại, chị Thanh cho biết: "Mọi người sống thế nào chị em tôi sống như thế nhưng… tôi không thích ra ngoài. Chỉ có Toàn thỉnh thoảng ra chợ mua thức ăn".

Chị Thanh cũng nói rằng, dù bố mẹ đã mất nhưng tự chị em chị vẫn lo được cho cuộc sống và không nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào. "Tại sao lại phải nhờ vả người khác, bao nhiêu năm nay gia đình chúng tôi vẫn sống như vậy. Chúng tôi không làm phiền đến ai và mong cũng không có ai đến đây làm ảnh hưởng đến chị em tôi", chị Thanh chia sẻ.

Từ chối mọi sự giúp đỡ

Chị Nguyễn Thu Hằng, người vào năm 2017 từng gõ cửa nhiều cơ quan chức năng vì lo cho sự an nguy của gia đình bà Thành, cho biết: Chị là bạn học cùng lớp với anh Mai Văn Tâm. Trước đây khi Tâm bất ngờ bỏ học, chị Hằng và các bạn đã tìm đến nhà thăm hỏi nhưng đã bị các thành viên trong gia đình xua đuổi.

"Sau khi hay tin Tâm mất và được chôn trong vườn, tôi cũng như bao người dân ở Thành Vân rất đau lòng. Năm 2017, tôi thấy lo lắng vì quá nhiều năm cả bà Thành, chị Thanh và Toàn không xuất hiện nên mới nhờ các cơ quan báo chí về tìm hiểu. Rất may, tất cả mọi người đều khỏe mạnh", chị Hằng kể lại.

Gia đình sống gần như tuyệt giao với xã hội ở Thanh Hóa: Bố mẹ mất, 2 con vẫn "khép cửa" với thế giới bên ngoài - Ảnh 3.

Anh Toàn chỉ nhận món quà duy nhất là mấy quả bưởi từ vườn nhà chị Thúy.

Do những người họ hàng đều ở tận Nga Sơn và cũng rất khó khăn nên hiện tại ngoài chị Thúy, chỉ có chị Hằng là người gần gũi bên cạnh chị em chị Thanh. Theo chị Hằng: "Nhà Toàn chỉ nuôi mấy con gà, ngô sắn mới trồng, không có bất kỳ nguồn thu nhập nào. Có thể do bán được nhiều sắt thép khi đào dưới vườn lên nên hiện tại chị Thanh vẫn còn tiền nhưng những năm tới thật sự rất đáng lo".

Cách đây vài tháng, có đoàn từ thiện về địa phương, chị Hằng đã lập tức liên hệ và xin cho chị em anh Toàn ít gạo và nhu yếu phẩm khác nhưng đã bị từ chối thẳng thừng. Một lãnh đạo thị trấn Vân Du cũng nói rằng, hoàn cảnh của chị em anh Toàn rất đáng thương nhưng do cả 2 vẫn có địa chỉ tại huyện Nga Sơn.

Ở Thạch Thành chỉ là tạm trú nên muốn làm chế độ, chính sách gì cho 2 chị em cũng không làm được. "Chúng tôi chỉ có thể thăm hỏi, động viên hai chị em. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cũng không dễ dàng gì vị chị em Thanh từ chối", vị lãnh đạo thị trấn Vân Du chia sẻ.

Chia sẻ với PV báo Phụ nữ Việt Nam, chị Trịnh Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vân Du, cho biết: "Chính quyền địa phương cũng như Hội LHPN rất quan tâm, ngày lễ tết đều tổ chức đến thăm hỏi tặng quà nhưng chị em chị Thanh không nhận dù đó chỉ là gói bánh hay mấy cân gạo.

Chị Thanh còn từ chối rất khéo và nói rằng, các anh chị quý Thanh cứ lên chơi nhưng đừng can thiệp vào chuyện gia đình và cũng không cần phải giúp đỡ gì. Thấy hai chị em sống như thế cũng rất lo lắng nhưng rất khó có cách gì hỗ trợ họ".

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn