Bỗng dưng "đóng cửa" với thế giới bên ngoài
Vào năm 2017, dư luận xôn xao về gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở xã Thành Vân (nay là thị trấn Vân Du), huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) sống gần như tuyệt giao với thế giới bên ngoài hàng chục năm trời. Thậm chí, thời điểm đó có nhiều lời đồn thổi về sự sống chết của các thành viên trong gia đình này.
Nhà bà Thành nằm bên cạnh ruộng mía xanh ngắt nhưng ngôi nhà nhỏ chìm nghỉm trong vườn cây cối um tùm, u tịch. Nhà có 4 người nhưng chỉ có một mình chồng bà Thành là ông Mai Hồng Thái thỉnh thoảng ra ngoài mua lương thực.
Vì tuyệt giao với thế giới bên ngoài nên lối vào nhà bà Thành cỏ lụt tận đầu gối và lấp đầy những cành gai nhọn. Nhiều người còn cảnh báo, có thể mẹ con bà Thành đã đặt cả chông để ngăn những vị khách không mời nên đừng "manh động" bước vào vườn.
Thêm nữa, những thành viên trong gia đình bà Thành đều có tính cách kỳ dị nên họ có thể làm bất cứ chuyện gì nếu có ai đó "phá luật" đột nhập vào "vùng đất cấm", suốt cả chục năm trời chẳng ai dám đột nhập vào "lãnh địa" của gia đình nhà bà Thành.
Ở xã Thành Vân, vợ chồng bà Nguyễn Thị Dung, Bí thư chi bộ Trạm bảo vệ rừng Thành Vân và chồng ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành, là những người từng rất thân thiết với gia đình bà Thành.
Nhà bà Dung cách nhà bà Thành vài trăm mét. Nói về gia đình bà Thành, như nhiều người khác, bà Dung bảo, bà cũng không thể lý giải được những chuyện kỳ dị xảy đến với gia đình bà Thành.
Theo lời bà Dung, trước đây, bà Thành là một trong những thành viên ưu tú của lâm trường, từng đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Nhanh nhẹn, tháo vát, lại biết vun vén làm ăn nên nhà bà Thành thuộc diện khá giả nhất vùng. Các con học giỏi, chăm ngoan.
Chuyện kỳ dị khó tin xảy đến với gia đình bà Thành từ năm 2001. Bà Dung nhớ rõ, hôm ấy, đang ở nhà thì bà Thành tìm đến thông báo một chuyện hệ trọng. "Dì Dung ơi, bây giờ tôi phải làm việc… thánh. Tôi làm mấy năm thôi, đến năm 2010 sẽ xong việc", thông báo xong bà Thành đứng dậy tất tả ra về.
Tưởng người chị em nói chơi vậy thôi nào ngờ ngay hôm sau, bà Thành đã gọi người đến nhà và bán sạch cả đàn trâu bò. Tổng cộng 15 con được hơn 13 triệu đồng, đây là một số tiền khá lớn vào thời điểm đó.
Bà Thành sau đó đã mang số tiền lớn đi khắp xã gom mua hàng vạn chiếc bát, hàng nghìn chiếc lưỡi cày, nhiều tạ sắt, dây xích. "Trong vùng, có bao nhiêu bát và lưỡi cày, chị Thành mua sạch. Ước tính phải mấy chuyến ô tô ấy", bà Dung kể.
Theo bà Dung, bát được bà Thành đem chôn hết xuống vườn, còn lưỡi cày một phần thì chôn, một phần bà Thành buộc vào thân cây rồi dựng đứng như cột cờ trước nhà. Quanh nhà cũng chăng đầy dây thép, dây xích. Bà Thành cũng cho dựng lên 8 ngôi nhà bé xíu và dùng các dây thép nối các nhà với nhau rất khó hiểu…
Thấy việc làm kỳ lạ này bà Dung đã tìm mọi cách khuyên can nhưng chẳng được. Bà Thành mua sắt nhiều đến nỗi, đại lý bán sắt ở thị trấn cũng hết, bà phải đi nơi khác để mua về. Mua được thép, vợ chồng bà Thành cùng các con chăng chằng chịt trong vườn.
Thấy mẹ con bà Thành có những việc làm kỳ dị nên người trong làng, trong xã đổ xô đến xem rất đông. Thế nhưng, sau đó các thành viên trong nhà bà Thành đã xua đuổi và cho rào cả cổng lại. Cán bộ lâm trường cũng tìm đến tìm hiểu, can ngăn cũng bị thành viên trong nhà bà Thành vác hung khí xua đuổi.
Tuyệt giao với hàng xóm láng giềng, gia đình bà Thành còn "tuyệt giao" luôn với tất cả những thứ là sản phẩm của thế giới văn minh. Nhà không dùng điện, không dùng nước sạch. Mọi thứ từ cái ăn, cái mặc phần lớn đều là tự cung tự cấp.
Cứ thế, hàng chục năm trời, gia đình bà Thành sống thế nào không ai hay biết. Hiếm hoi lắm mới thấy ông Thái ăn vận kì dị ra ngoài mua nhu yếu phẩm, sau đó lại về đóng cửa hàng tháng trời.
Theo lời bà Dung, khi bà Thành mới dở chứng, ông Thái còn chạy vạy khắp nơi nhờ người thân khuyên giải vợ mình. Thế nhưng, một thời gian sau thì ông Thái đã hoàn toàn bị vợ sai khiến. Không những không phản đối mà ông Thái còn tích cực giúp vợ mình làm những việc chẳng giống ai.
3 người con của bà Thành là Mai Thị Thanh (SN 1980) đang học lớp 11, con trai thứ 2 là Mai Văn Tâm (SN 1982) đang học lớp 8, con trai út là Mai Văn Toàn (SN 1985) đang học lớp 2 đều bình thường, học giỏi. Tuy nhiên, sau một thời gian thì đồng loạt nghỉ học để cùng mẹ mình thực hiện những việc kỳ quặc, khó hiểu.
Một người ở xã Thành Vân kể, thời điểm mới "đóng cửa" với thế giới bên ngoài, không hiểu vì lý do gì mà gia đình bà Thành ăn uống kham khổ và đặc biệt kiêng muối, chủ yếu uống nước dừa và đậu phụ. Bởi thiếu chất, thiếu muối nên ai cũng bị phù nề, mệt mỏi, đặc biệt là mấy đứa con.
Một hôm gặp ông Thái, người này đã hỏi thăm tình hình sức khỏe mấy thành viên còn lại trong gia đình vì suốt mấy năm không thấy mặt. Thấy hàng xóm hỏi thăm, ông Thái đã trả lời gọn lỏn: "Thằng Tâm hỏng mất rồi!".
Nghe ông Thái nói vậy, người này tưởng "hỏng" nghĩa là Tâm mang bệnh hay ăn chơi hư hỏng nhưng sau đó choáng váng khi biết Tâm đã chết. Dân trong xóm bảo, gia đình ông Thái chôn con ngay trong vườn nhưng cụ thể chỗ nào thì không ai rõ.
Khai quật khu vườn bí ẩn
Năm 2017, sau khi báo chí đăng tải về trường hợp gia đình bà Thành, chính quyền huyện Thạch Thành, trực tiếp là Bí thư và Chủ tịch UBND huyện, đã về trực tiếp tìm hiểu. Hàng nghìn người tứ xứ, có người tận TPHCM vì tò mò cũng đổ về xem. Rốt cuộc chẳng thể tìm được câu trả lời vì sao nhà bà Thành lại chọn cách sống kỳ lạ đến vậy.
Sau gần 20 năm không thấy mẹ con bà Thành nên đã có rất nhiều lời đồn thổi, năm 2017, vợ chồng ông Hồ và cán bộ địa phương đã quyết định "đột nhập" khu vườn bí ẩn để tìm câu trả lời.
Mặc dù là hàng xóm nhưng vì lời đồn thổi có thể bà Thành đã cho xây dựng hệ thống bảo vệ nghiêm ngặt bao quanh vườn nên khi quyết định đặt chân vào vườn nhà bà Thành, ông Hồ cũng rất thận trọng.
Sau nhiều lần cố gắng, cuối cùng ông Hồ và mọi người cũng đã di chuyển được vào giữa vườn nhà bà Thành. Thấy nhiều người xuất hiện, đúng như dự đoán, Thanh và Toàn đã mang hung khí ra chặn lối. Sau đó, bà Thành từ trong nhà cũng đã lên tiếng và chỉ đạo các con không được cho ai vào.
Dù không gặp được bà Thành nhưng tất cả đều như nhẹ nhõm vì bà Thành vẫn còn sống. Chỉ có điều, nhìn Thanh và Toàn ai cũng xót xa bởi cả 2 ăn mặc rách rưới khác thường, trên đầu đội chiếc mũ kết bằng những sợi nhựa nhìn như binh lính ngày xưa, ngoài cùng là chiếc nón lụp xụp. Bởi sống trong bóng tối nhiều năm nên da của chị em Toàn đều bị xám xịt.
Mặc dù rất muốn giúp đỡ gia đình bà Thành, đưa các thành viên hòa nhập với xã hội bên ngoài nhưng đó là điều không hề đơn giản. Đoàn lãnh đạo của huyện Thạch Thành cũng như người thân đã nhiều lần thuyết phục, giúp đỡ để gia đình trở lại cuộc sống bình thường nhưng không được vào.
Ông Thái vẫn nói rằng, gia đình ông sống "theo cách của mình và chẳng làm hại ai". Thực tế, đúng như ông Thái nói, gia đình bà Thành sống kỳ dị nhưng chẳng vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh.
Bà Bùi Thị Mười (Bí thư Huyện ủy Thạch Thành thời điểm năm 2017) đã đến vườn nhà bà Thành, gặp ông Thái hỏi thăm, rất muốn vào trong tặng quà, cố gắng thuyết phục gia đình bà Thành trở lại cuộc sống bình thường và xem gia đình có thiếu thốn gì không để giúp đỡ nhưng bất thành.
"Nếu liên quan đến chủ trương, chính sách, chúng tôi có thể xử lý ngay. Thế nhưng, trong câu chuyện của gia đình bà Thành, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ, rất thận trọng. Đây không phải là trường hợp vi phạm pháp luật để có thể bắt, có thể cưỡng chế là xong", bà Mười chia sẻ.
Cũng theo bà Mười, gia đình bà Thành đã sống như vậy trong vòng nhiều năm, nếu bắt họ thay đổi phải hết sức cẩn trọng. Từ sức khỏe, tâm sinh lý, nhận thức… phải đánh giá kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Không thể suy nghĩ đơn giản là đưa cả nhà bà Thành ra ngoài là tốt, điều đó có thể làm họ sốc và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Mặc dù đã rất cố gắng nhưng sau cùng từ chính quyền, những người hàng xóm thân thiết và người thân của gia đình bà Thành cũng bất lực trong việc thuyết phục gia đình này thay đổi cách sống. Họ trở lại cuộc sống bí ẩn như trước, cho đến cách đây hơn 1 năm khi bà Thành qua đời.
Một người hàng xóm cho biết, bà Thành mất, ông Thái và con đã cuốn thi thể vào tấm bạt và chôn ngay trong vườn. Tuy nhiên, sau đó người thân ở quê biết, tức tốc lên và tiến hành khai quật, đưa về quê mai táng.
Sau khi bà Thành mất, anh em họ hàng đã tiến hành khai quật khu vườn bí ẩn và đào lên hàng chục tấn sắt thép. Có nhiều cuộn thép vẫn còn như mới tinh. Nhiều chuyến xe tải đã được thuê để chở hết số sắt thép trên về quê Nga Sơn (Thanh Hóa)...
(Còn nữa)
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn