'Gia đình tốt sẽ có nhiều công dân tốt và tỉ lệ tội phạm sẽ giảm'
09:03 | 27/05/2019;
Đó là quan điểm của chuyên gia nghiên cứu tội phạm, TS. Lý Văn Quyền (Đại học Luật Hà Nội) về vai trò của gia đình nói chung và phụ nữ nói riêng trong công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm nữ.
Thời gian qua, đã có không ít vụ án mạng nghiêm trọng, thậm chí là rùng rợn mà hung thủ là phụ nữ, nhiều người bày tỏ lo lắng khi số lượng tội phạm nữ đang có chiều hướng gia tăng. Làm gì để có thể phòng ngừa tội phạm từ trong gia đình? Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm, TS. Lý Văn Quyền (Đại học Luật Hà Nội) đã có những chia sẻ với PV Báo Phụ nữ Việt Nam.
TS. Lý Văn Quyền cho rằng, thông thường các hành vi phạm tội không bao giờ vô cớ, mà phải có lí do, muốn tìm lí do thì phải tìm hiểu mối quan hệ giữa người phạm tội và nạn nhân.
“Nhưng từ các công trình nghiên cứu, nhận thấy hành vi giết người đa phần xuất phát từ những mâu thuẫn trong cuộc sống, sinh hoạt, nên giữa người phạm tội và nạn nhân đều có mối quan hệ thân thiết như người thân trong gia đình, sau đó là bạn bè, hay đồng nghiệp, đồng hương, anh em”, chuyên gia Lý Văn Quyền phân tích.
Phân tích về vấn đề tội phạm, TS. Quyền cho rằng, dưới gốc độ tội phạm học cho thấy, hiện nay tội phạm bạo lực tình dục, bạo lực được đối đáp bằng bạo lực mà căn nguyên là bạo lực từ trong gia đình đến bạo lực nhà trường và bạo lực xã hội.
Phụ nữ rất dễ bị mê hoặc tới các vấn đề liên quan đến tiền bạc, tiêu dùng. Nên đặc trưng hành vi phạm tội của phụ nữ liên quan đến thương mại, lừa đảo, rất dễ bị lôi cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, mại dâm, cờ bạc. Sau đó, mới tới các tội phạm xâm hại, sở hữu như trộm cắp. Đặc trưng rất dễ liên quan đến các tội phạm mua bán như mua bán phụ nữ, mại dâm, lừa đảo, thương mại, đa cấp, hàng giả hàng nhái.
Hành xử với con cái không nên dùng bạo lực, bố mẹ phải có phương pháp nuôi dạy con, thay vì chúng ta chỉ bảo bằng roi vọt thì bố mẹ nên đặt vào vị trí của con mình mà tìm hiểu nó mong muốn gì để có phương pháp cho phù hợp. Các cụ đã đúc kết "lạt mềm buộc chặt', còn trong tâm lý học thì gọi là phương pháp “Gió phương nam”. Gió phương bắc thổi mạnh thì gây ra cảm giác lạnh nên người ta càng giữ chặt áo, còn gió phương nam mát nên khi thổi nhẹ thì con người lại cởi ra cho mát.
Ông Lý Văn Quyền nhấn mạnh đến việc chăm sóc, giáo dục con cái mà đặc biệt là con gái trong mỗi gia đình. “Con gái được gọi là phái yếu nên ưa sự nhẹ nhàng, mềm mại. Nên nếu bố mẹ thiếu tế nhị, bạo lực thì không tốt. Con gái khi bị ảnh hưởng bạo hành của gia đình thì sẽ bị dồn nén tâm lý nên khi có cơ hội sẽ bùng phát, thể hiện, nên con gái hay phụ nữ khi có hành vi phạm tội sẽ rất ác độc”, TS. Lý Văn Quyền nhấn mạnh.
Cho nên dạy bảo khó hơn rất nhiều so với cấm đoán, so với bạo lực. Và qua trọng nhất là đủ kiên nhẫn để đồng hành cùng con. Cha mẹ sinh con ra đã khó nhưng nuôi dạy con nên người càng khó hơn, mất rất nhiều thời gian, tình yêu, tình thương chứ không phải các bậc phụ huynh cứ mải mê đi làm, đi kiếm tiền. Phải quan tâm đến con cái, gần gũi thì mới hiểu được. Trong cơ chế thị trường ngày nay, cứ xem tiền là trên hết, thuê ô sin chăm sóc cho con, sự cố kết trong gia đình không có. Cha mẹ muốn ảnh hưởng sang con cái thì trước hết cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo. Để con cái thấy rằng không ai tốt bằng nhà mình, không đâu an toàn bằng nhà mình, để khi con cái trưởng thành, có đi xa, có lỗi lầm thì gia đình luôn luôn là tổ ấm cho nó làm lại.
Chuyên gia Lý Văn Quyền đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng. Bình đẳng giới không phải là cào bằng, mà là phân công vai trò trong gia đình sao cho hợp lý nhất.
“Muốn các gia đình êm ấm hạnh phúc thì vai trò của người phụ nữ đặc biệt quan trọng. Có xã hội tốt thì nhiều gia đình tốt, có nhiều gia đình tốt thì sẽ có nhiều công dân tốt, có nhiều công dân tốt thì tỉ lệ tội phạm sẽ giảm xuống”, TS. Lý Văn Quyền kết luận.
Hiện nay, tỉ lệ trẻ nhỏ nghiện mạng xã hội rất nhiều, đầy những vụ án đau lòng mà lí do là từ nghiện game, sống ảo, tranh cãi trên mạng xã hội. Thậm chí từ nạn nhân, có thể bị bắt ép, cuốn theo trở thành đối tượng phạm tội. Thay vì cắm mặt vào mạng xã hội, cha mẹ nên hướng cho con đọc sách. Sách làm cho người ta có tâm hồn đẹp, vun đắp, tư cách tốt. Đứa trẻ được uốn nắn từ nhỏ thì sau này cứ theo guồng hình thành nhân cách tốt. Sợ nhất là đứa trẻ thất bại, đứa trẻ đối mặt với áp lực từ bố mẹ, dẫn đến stress, tâm thần, bộc phát các hành động chống đối bạo lực, hư hỏng.