Nguyễn Thị Thuý Ngân (30 tuổi, TP Hồ Chí Minh) dự tính sẽ cùng chồng về quê ăn Tết ở Đắk Lắk. Vé di chuyển 2 chiều khoảng 4 triệu đồng, nhờ mẹ chuẩn bị Tết 4 triệu đồng, tiền biếu Tết và lì xì khoảng 10 triệu đồng, cà phê và ăn uống đi chơi khoảng 1 triệu. Gia đình cô không mua quần áo mới mà tận dụng những trang phục đã mua trong năm.
Bí quyết giúp Thuý Ngân kiểm soát chi tiêu trong những ngày Tết là vạch rõ ràng các khoản chi tiêu. Bên cạnh đó, liệt kê những sản phẩm không cần thiết trong ngày Tết, không nên tốn kém cho các khoản mục này. Chẳng hạn như mua bình hoa cả tiền triệu để khoe cho mọi người nhưng tài chính lại hạn hẹp.
“Theo kinh nghiệm cá nhân, mình thấy việc dồn 1 cục tiền rồi đụng đâu chi đó sẽ khiến tài khoản bay hơi nhanh chóng. Thay vào đó, vạch rõ ràng các khoản chi giúp mình chi tiêu dễ dàng hơn. Chẳng hạn như tiền lì xì bao nhiêu, khoản chi cho ăn uống như thế nào, và đừng quên khoản dự trữ phát sinh. Ngày Tết rất dễ khiến bản thân thoải mái hơn trong chi tiêu, như vậy sau Tết, bạn sẽ thấy khoản chi cao bất ngờ".
Cũng giống như Thuý Ngân, gia đình Võ Song Yến Vy (32 tuổi, TP Hồ Chí Minh) mỗi năm đều về quê ăn Tết. Do vậy, cô không cần phải chi quá nhiều, dự tính khoảng 15-16 triệu đồng cho ngày Tết. Trong đó tiền ăn uống là chi nhiều nhất khoảng 4-6 triệu vì sau Tết các hàng quán chưa có mở lại nhiều, gia đình cô mua trữ đồ ăn luôn. Bên cạnh đó là khoản biếu quà cho ông bà và người thân 3-4 triệu. Còn lại là khoản chi sinh hoạt trong mấy ngày Tết, mua sắm quần áo, lì xì,…
“Thật ra mình không có bí quyết nào đặc biệt để chi tiêu trong Tết. Cũng như những ngày thường, vào dịp lễ Tết, mình sẽ lên danh sách các việc cần làm, các đồ cần thiết mua. Sau khi rà soát hết các khoản, mình sẽ dựa vào đó đi mua sắm. Nếu không có danh sách, khi mọi người đi chợ hay đi dạo quanh lúc mua sắm sẽ dễ bị cuốn vào và chi tiêu quá tay”.
Đối với Yến Vy, trước khi mua 1 món hàng, cô cân nhắc kỹ càng trong giá cả, xem mức giá đó có phù hợp với chất lượng sản phẩm không. Những ưu điểm của sản phẩm, cô có thể sử dụng hết công năng không. Ngoài ra, Yến Vy cũng sẽ xem review của mọi người về sản phẩm đó rồi mới quyết định có nên mua hay không. Và thường cô sẽ không mua liền, sau vài ngày suy nghĩ rồi quay lại, nếu cảm thấy bản thân thật sự cần món hàng đó, cô mới sắm.
Thuý Ngân cũng cho rằng điều quan trọng là phải cân nhắc liệu món đồ có xứng đáng với giá tiền và ngân sách của bản thân không. Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định. “Chẳng hạn, mình có 1 triệu đồng để mua hoa và sắm bánh kẹo. Nếu mình mua 1 bó hoa 1 triệu, vậy mình sẽ không còn tiền để mua bánh kẹo nữa. Trong khi đó, nếu lựa chọn 1 bó hoa 500 nghìn, mình vẫn còn 500 nghìn để sắm bánh kẹo Tết. Do vậy, đừng quên liệt kê danh sách cần mua sắm, cũng như kiềm chế mong muốn chi tiêu quá nhiều. Theo mình Tết nên chi tiêu có kế hoạch chứ không nên quá thoải mái".
“Mình nghĩ dù là ngày Tết hay ngày thường thì cũng không nên chi tiêu thoải mái. Vì ngày Tết, mọi người sẽ ăn uống mua sắm rất nhiều nên sẽ khó quản lý được túi tiền của mình. Dù cho Tết có nhiều khoản cần chi hơn ngày thường nhưng mọi người cũng nên đề ra 1 ngân sách riêng để chi tiêu cho ngày lễ", Yến Vy chia sẻ.
Để mọi người có được một cái Tết vui vẻ và không bị áp lực về tài chính, Yến Vy cho rằng gia đình nên để dành 1 khoản tiền chung để dành chi cho những dịp lễ. Và khi mua sắm, hãy liệt kê danh sách các khoản cần mua và rà soát lại những món đồ và dịch vụ cần mua. Mỗi hạng mục cũng nên đề ra ngân sách và cố gắng không được chi vượt mức cho phép.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn