Gia đình Việt Nam tiếp tục đối mặt trước nhiều khó khăn, thách thức mới

08:29 | 15/11/2023;
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 21 đã tác động đáng kể đến sự biến đổi xã hội trên nhiều phương diện trong đó có gia đình.

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21" được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11/2023, hàng chục nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý trên cả nước đã cùng thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm nhận diện những biến đổi của gia đình và giới ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỷ 21, cũng như những vấn đề đặt ra trong xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. 

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, cho biết:

Việt Nam bước sang thế kỷ 21 trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến đổi, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sau hơn 23 năm, Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Việt Nam đã trở thành quốc gia có nền kinh tế năng động và thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Sự chuyển biến của quá trình phát triển kinh tế - xã hội đã tác động đáng kể đến sự biến đổi xã hội trên nhiều phương diện trong đó có gia đình.

- Ông đánh giá như thế nào về sự biến đổi gia đình hiện nay?

Cùng với sự biến đổi của kinh tế - xã hội, gia đình Việt Nam cũng đang diễn ra sự biến đổi một cách toàn diện. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống gia đình trên cả bình diện tích cực và tiêu cực. Sự tác động tích cực được thể hiện rõ nét trong đời sống vật chất của các gia đình Việt Nam được nâng cao, cũng như đời sống tinh thần phong phú hơn. Bên cạnh đó, gia đình Việt Nam cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, gia đình Việt Nam đã có những thay đổi về quy mô, cấu trúc và các mối quan hệ trong gia đình... Xu hướng già hóa dân số, tỷ lệ sinh thấp, khoảng cách thu nhập, di cư của các thành viên trong gia đình... cũng gây ra những khó khăn cho gia đình trong việc tổ chức cuộc sống, chăm sóc và giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi. Cùng với đó, sự suy thoái về đạo đức, lối sống; xu hướng đề cao tiền bạc, vật chất trong quan hệ gia đình; mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình do đất đai, tài sản; bạo lực gia đình... đang đặt ra thách thức đối với sự phát triển bền vững của gia đình nói riêng và phát triển bền vững của xã hội nói chung. 

Gia đình Việt Nam tiếp tục đối mặt trước nhiều khó khăn, thách thức mới- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học quốc gia "Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21" được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11/2023

- Cùng với sự biến đổi trong gia đình, vấn đề bình đẳng giới đã có những thay đổi như thế nào?

Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng đáng ghi nhận trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho đến chăm sóc sức khỏe và gia đình. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ.

Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới (theo Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020), Việt Nam thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thành tựu về bình đẳng giới được ghi nhận trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao…


Gia đình Việt Nam tiếp tục đối mặt trước nhiều khó khăn, thách thức mới- Ảnh 2.

Xu hướng mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ đang dần có sự thay đổi. Ảnh minh hoạ

Không thể phủ nhận rằng, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới phát triển xã hội bền vững, thịnh vượng. Việt Nam cũng đã có những bước tiến trong thực hiện bình đẳng giới và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Theo báo cáo "Khoảng cách Giới tính Toàn cầu 2023" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum-WEF), Việt Nam xếp hạng 72/146 quốc gia với 0,711 điểm. Trong đó, trong lĩnh vực kinh tế xếp hạng 31 với 0,749 điểm, lĩnh vực giáo dục xếp hạng 89 với 0,985 điểm, lĩnh vực y tế xếp hạng 144 với 0,946 điểm và lĩnh vực chính trị xếp hạng 89 với tiến độ 0,166 điểm.

- Những thách thức gì đang đặt ra trong bảo đảm bình đẳng giới hiện nay?

Tuy đạt được những thành tựu đáng khích lệ nhưng để bảo đảm bình đẳng giới, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là khoảng cách giới và định kiến giới vẫn còn tồn tại ở nhiều lĩnh vực, nhiều vùng miền; tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trong cả gia đình và ngoài xã hội.

Gia đình Việt Nam tiếp tục đối mặt trước nhiều khó khăn, thách thức mới- Ảnh 3.

Tuy đạt được những thành tựu nhất định nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc bảo đảm bình đẳng giới

Để nhận diện chính xác và đầy đủ về những thách thức đặt ra đối với bảo đảm bình đẳng giới trong bối cảnh mới hiện nay thì việc phân tích, đánh giá thực trạng biến đổi gia đình và giới ở Việt Nam trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21 là cần thiết và có ý nghĩa trên cả phương diện thực tiễn và lý luận. Và đây cũng là lý do Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Biến đổi gia đình và giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21".

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn