Gia đình Việt thời đại mới: Lựa chọn hệ giá trị nào?

21:35 | 27/08/2021;
Vừa kế thừa các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, vừa bao hàm những giá trị của thời đại mới hội nhập và phát triển - đó là bài toán đặt ra cho nhiều chuyên gia về gia đình và giới, khi lựa chọn hệ giá trị gia đình thời hiện đại.

No ấm, tiến bộ và hạnh phúc

Đây cũng là nội dung chính tại buổi tọa đàm trực về xây dựng giá trị gia đình Việt, do Hội LHPNVN tổ chức ngày 27/8. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia về gia đình, giới, các nhà quản lý.

Theo bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, tọa đàm nhằm tham vấn những định nghĩa cụ thể, phù hợp với bối cảnh mới của những giá trị gia đình đã được liệt kê ở trên và chọn ra 4 giá trị đóng vai trò quan trọng nhất đồng thời phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam.

"Chúng tôi mong muốn các chuyên gia sẽ phân tích tầm quan trọng của những giá trị gia đình đã được chọn lọc và đề xuất một số giải pháp để vun đắp các giá trị gia đình thông qua phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội LHPN Việt Nam. Những giá trị được chọn sẽ được nghiên cứu, xem xét để tích hợp vào phong trào thi đua và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam" của nhiệm kỳ sắp tới", bà Bùi Thị Hòa cho hay.

Gia đình Việt thời đại mới: Lựa chọn hệ giá trị nào? - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham dự tại buổi tọa đàm trực tuyến

Dựa trên nguyên tắc lựa chọn hệ giá trị gia đình ngắn gọn, dễ tiếp cận, bám sát Nghị quyết XIII của Đảng, GS.Nguyễn Hữu Minh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới - cho rằng, không dễ để lựa chọn các hệ giá trị gia đình mang tính cốt lõi. Dựa trên các giá trị được gợi ý tại đề dẫn, theo ông xây dựng hệ giá trị gia đình thời đại mới chính là sự no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Mỗi giá trị đều có nội hàm riêng mang tính cụ thể để giúp mọi người dễ tiếp cận.

Đơn cử, giá trị tiến bộ của gia đình cần thể hiện ở khía cạnh dân chủ, bình đẳng và trách nhiệm. Giá trị hạnh phúc lại bao hàm điểm then chốt chính là sự hòa thuận, cùng với đó là sự tôn trọng, yêu thương.

"Tôn trọng thể hiện rõ sự trân trọng giữa các thành viên trong gia đình, các mối quan hệ người thân. Hay giá trị về hiếu thảo, cần được hiểu theo quan niệm mới chứ không phải máy móc như ngày xưa, trong đó thể hiện được sự quan tâm yêu thương giữa các thành viên trong gia đình", GS Nguyễn Hữu Minh nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cần suy nghĩ đến giá trị gắn kết để phát huy các giá trị gia đình truyền thống. Cùng với đó, gia đình hiện đại nhất định phải bao hàm giá trị bình đẳng.

"Bình đẳng sẽ giúp chỉ ra được 2 vấn đề: Giảm gánh nặng của các thành viên và giảm bạo lực. Đồng thời cũng sẽ bao hàm được tôn trong và yêu thương. Đây không chỉ đơn thuần là bình đẳng giới mà là tạo không khí dân chủ trong gia đình. Chính bình đẳng mới không có bạo lực, tạo ra được môi trường an toàn cho các thành viên trong gia đình", bà Nguyễn Thị Thanh Hòa phân tích.

Thịnh vượng để thụ hưởng cuộc sống

PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, quan tâm đến xây dựng giá trị gia đình Việt Nam thời đại mới với 4 giá trị: an toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và tiến bộ.

Gia đình Việt thời đại mới: Lựa chọn hệ giá trị nào? - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Thị MInh Thi

Về giá trị an toàn, PGS.TS Trần Thị Minh Thi đưa ra 3 khía cạnh: An toàn về thân thể, an toàn về cảm xúc và an toàn về khả năng phòng vệ trước các rủi ro, thách thức.

Về giá trị trách nhiệm, đó là trách nhiệm với bản thân (tu dưỡng, khát vọng vươn lên… ), trách nhiệm với thành viên khác trong gia đình (yêu thương, chia sẻ, nề nếp và đạo đức trong gia đình, trong đó cao nhất là trách nhiệm chăm sóc và giáo dục con cái, chăm sóc ông bà cha mẹ, đạo đức nề nếp…) và trách nhiệm với xã hội.

Về giá trị thịnh vượng, đó là sự thịnh vượng về thu nhập (các thành viên độ tuổi lao động cùng làm việc để tạo thu nhập), thịnh vượng về việc làm xanh, việc làm bền vững và nhạy cảm giới, và thịnh vượng để thụ hưởng cuộc sống thời đại mới (đi du lịch, sinh nhật, nghi lễ gia đình, tận hưởng cùng nhau)

Về giá trị tiến bộ, theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi giá trị này rộng hơn giá trị bình đẳng, bởi ngoài sự bình đẳng còn bao hàm kỹ năng sống, xã hội học tập suốt đời…

"Văn hóa đọc của Việt Nam hiện hạn chế, thay vào đó là xu hướng mọi người chỉ thích lướt web, chưa đi vào các kiến thức chiều sâu. Vì thế cần phải thúc đẩy gia đình hiểu biết dựa trên sự am hiểu, phát triển dễ dàng thuận lợi hơn", PGS.TS Trần Thị Minh Thi nhìn nhận.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn