Hasahya là người Uganda, một quốc gia nằm ở phía đông châu Phi. Người đàn ông này có nhiều con cháu đến nỗi ông không thể nhớ hết tên của chúng. Và hiển nhiên, Hasahya đã phải vật lộn để có thể chu cấp đầy đủ cho một đại gia đình gồm 12 người vợ, 102 người con và 578 người cháu.
Khó khăn của chuyện cơm áo gạo tiền ban đầu chỉ là những câu nói bông đùa, nhưng khi ông càng già đi, vấn đề ngày một lộ rõ.
Người đàn ông 68 tuổi sống ở làng Bugisa, một vùng nông thôn xa xôi phía đông Uganda cho hay: “Sức khỏe của tôi đang dần yếu đi trong khi đại gia đình chỉ có vỏn vẹn 2 mẫu đất. Hai người vợ của tôi đã bỏ đi vì không đủ tiền để chu cấp cho những nhu cầu cơ bản như thức ăn, quần áo hay cho con đi học".
Hasahya còn cho biết, những người vợ của ông đang phải sử dụng các biện pháp tránh thai để ngăn gia đình mở rộng thêm nữa: “Vợ tôi đang dùng thuốc tránh thai. Tôi không muốn có thêm con vì tôi đã rút ra bài học từ hành động vô trách nhiệm của mình ngày trước, sinh quá nhiều nhưng lại không thể chăm sóc cho chúng".
Người đàn ông lớn tuổi hiện đang thất nghiệp, nguồn thu nhập chính của ông đến từ khách du lịch, những người muốn tận mắt nhìn thấy gia đình đặc biệt này. Các con và cháu của Hasahya sống tập trung trong ngôi nhà cũ kỹ và 20 túp lều tranh xung quanh.
Ông kết hôn với người vợ đầu tiên vào năm 1972 theo nghi lễ truyền thống, khi đó cả hai mới mới 17 tuổi. Đứa con đầu lòng Sandra Nabwire đã chào đời chỉ một năm sau đó.
“Khi mới chỉ có 1 vợ 1 con, người thân và bạn bè đã khuyên tôi cưới thêm nhiều vợ hơn, sinh nhiều con hơn để mở rộng gia đình", ông nói.
Nhờ vào công việc “ăn nên làm ra" là buôn bán gia súc và mổ thịt, Hasahya trở thành “con rể lý tưởng” của nhiều dân làng, nhiều người muốn gả con gái cho ông, thậm chí có người còn chưa đầy 18 tuổi.
Vào thời điểm đó, việc tảo hôn vẫn chưa bị cấm ở Uganda. Không những thế, chế độ đa thê vẫn được cho phép ở quốc gia Đông Phi này theo một số truyền thống tôn giáo.
Chính vì có quá nhiều con, Hasahya không thể nhớ được hết tên của chúng: “Tôi chỉ có thể nhớ tên của đứa con đầu lòng và đứa con cuối cùng, còn hầu như không thể nhớ được những đứa còn lại". Vì vậy, mỗi lần cần tìm một đứa con nào đó, ông sẽ nhờ những người vợ của mình tìm giúp.
Nhưng điều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là người đàn ông này thậm chí không thể nhớ hết tên các người vợ của mình. Vào những lúc đó, Hasahya sẽ tìm tới Shaban Magino, giáo viên tiểu học 30 tuổi, đồng thời cũng là một trong số ít những người con trai được đi học và chịu trách nhiệm điều hành các công việc trong gia đình.
Để giải quyết những tranh chấp trong một gia đình với số lượng thành viên đông như thế, mỗi tháng họ đều phải tổ chức một cuộc họp.
Bất chấp những khó khăn như vậy, Hasahya vẫn nuôi dạy con cháu mình rất tốt và không để chúng lâm vào con đường xấu như trộm cắp hay đánh nhau. Các thành viên trong gia đình đều cố gắng kiếm tiền trong khả năng của mình, chẳng hạn như làm việc vặt cho hàng xóm hoặc dành cả ngày để đi bộ vào rừng lấy củi và nước.
Cư dân của Bugisa chủ yếu là nông dân tham gia canh tác các loại cây trồng quy mô nhỏ như lúa, sắn, cà phê hoặc chăn nuôi gia súc. Vào những ngày bình thường, mọi người sẽ ngồi trong sân, một số phụ nữ dệt chiếu hoặc tết tóc, trong khi những người đàn ông đánh bài dưới bóng mát của cây cối.
Khi bữa trưa với món sắn luộc đã sẵn sàng, Hasahya thong thả bước ra khỏi túp lều nơi ông dành phần lớn thời gian trong ngày và gọi cả nhà xếp hàng đi ăn. Nhưng thức ăn hầu như không đủ cho tất cả, vào những ngày quá thiếu thốn, họ sẽ phải giảm bớt bữa ăn xuống chỉ còn 1 hoặc 2 bữa một ngày.
Zabina, người vợ thứ ba của Hasahya, thừa nhận rằng nếu lúc trước bà biết ông đã có vợ khác, thì bà sẽ không bao giờ chấp nhận lấy ông. Bà nói: “Ngay cả khi tôi đã cam chịu số phận của mình, thì ông ấy vẫn cưới thêm người thứ tư, thứ năm, và nhiều người sau nữa".
Hai trong số những người vợ của ông đã rời đi, trong khi 3 người khác hiện đang sống ở một thị trấn cách đó 2km vì nhà không có đủ chỗ ở. Sau tất cả, Hasahya vẫn tin rằng bọn họ đang sống một cuộc sống hạnh phúc.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn