Nhiều mô hình thiết thực, ý nghĩa
Theo Hội LHPN tỉnh Gia Lai, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 260.000 hội viên, trong đó có gần 45% hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ các kênh ủy thác, thời gian qua hơn 53.000 phụ nữ được vay vốn với tổng dư nợ hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các cấp Hội còn xây dựng những mô hình tiết kiệm, quỹ đồng hành cùng phụ nữ nghèo. Qua đó giúp hội viên phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số có nguồn lực để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Một trong những mô hình giúp chị em người dân tộc thiểu số ở huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững là mô hình "Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng". Những năm qua, Hội LHPN huyện Phú Thiện đã giúp hội viên biết cách chi tiêu tiết kiệm, dành vốn để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đơn cử tại xã Ia Sol (huyện Phú Thiện), mô hình hoạt động này đã được nhân rộng tại 10 chi Hội. Nhờ biết chi tiêu tiết kiệm, cuối năm 2022 toàn xã chỉ còn 42 hội viên nghèo, giảm 10 hội viên so với đầu năm.
Một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình "Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng" là Chi hội buôn Ia Peng. Chị Kpă H'blí (thôn PleiTelB, xã Ia Sol) tâm sự: "Chi hội của mình có 40 thành viên tham gia. Với mức tiết kiệm 5.000 đồng/tháng, mô hình đã tích góp được 33 triệu đồng. Đến nay, mình là 1 trong 18 hội viên đã sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả vào đầu tư chăn nuôi, nhờ vậy gia đình đã vươn lên thoát nghèo".
Bà Lê Thị Kim Cúc - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện cho biết: "Hội LHPN huyện đã xây dựng được 16 mô hình "Phụ nữ dân tộc thiểu số tiết kiệm 5 - 10 triệu đồng" với 650 thành viên, tổng số tiền tiết kiệm hơn 1,2 tỷ đồng. Sắp tới, Hội LHPN huyện sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả mô hình để rút kinh nghiệm cũng như nhân rộng trong toàn huyện.
Khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của phụ nữ dân tộc thiểu số
Bên cạnh tham gia vào các mô hình phát triển kinh tế do Hội thành lập, nhiều phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số ở Gia Lai cũng đã có những ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, góp phần phát triển kinh tế của gia đình và cộng đồng.
Trong đó, có thể kể đến trường hợp điển hình của chị H'Uyên (trú tại làng Ia Lôk, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh). Nhận thấy địa phương hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng phong phú… thuận lợi kết nối du lịch, chị H'Uyên đã lên ý tưởng khởi nghiệp độc đáo dựa vào văn hóa truyền thống để phát triển du lịch.
Theo đó, từ khi "Tổ liên kiết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng" thành lập đã tạo được ấn tượng lớn đối với khách phương xa và tăng thêm thu nhập cho các thành viên người dân tộc thiểu số Jrai. Tổ liên kết hoạt động có quy chế, kết nối các nghệ nhân, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm. Đồng thời, các sản phẩm làm ra của bà con được đưa về một mối là Tổ liên kết để giới thiệu, đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho bà con.
"Những thành viên trong câu lạc bộ, luôn sẵn sàng hướng dẫn du khách cách dệt thổ cẩm và thử tài khéo léo của mình. Đặc biệt, kể từ khi chị em được tham gia học lớp sơ cấp nghiệp vụ du lịch cộng đồng 3 tháng nên càng chuyên nghiệp hơn trong cách kết nối, đón, hướng dẫn và phục vụ du khách. Những thành viên trong Tổ liên kết cũng có trách nhiệm bồi dưỡng thế hệ sau để duy trì nghề truyền thống", chị H'Uyên cho hay.
Có thể nói, những ý tưởng sáng tạo trong tư duy khi dựa vào di sản, nghề truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc để khởi nghiệp, chị em phụ nữ dân tộc thiểu số đã lan toả tinh thần khởi sự kinh doanh tới các tầng lớp nhân dân ở thôn làng vùng sâu, vùng xa; gửi gắm thông điệp về sự tự tin và nỗ lực của người dân tộc thiểu số trong khát vọng làm giàu. Qua đó, giúp phụ nữ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội trong công cuộc giảm nghèo bền vững.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn