Gia Lai: Kết nối, tạo việc làm cho phụ nữ trở về quê hương tránh dịch

22:21 | 28/11/2021;
Đại dịch Covid-19 khiến hàng người dân, trong đó có nhiều phụ nữ ở tỉnh Gia Lai tại khu vực phía Nam bị mất việc làm. Họ buộc phải quay trở về quê nhà. Thời gian qua, Hội LHPN huyện Đak Pơ (Gia Lai) chủ động kết nối, tạo việc làm giúp chị em ổn định cuộc sống.

Từ tháng 7/2021 đến nay, nhiều lao động nữ đi làm ăn xa từ các tỉnh, thành như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương trở về Đak Pơ. Hầu hết chị em mong muốn tìm kiếm việc làm để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, không chỉ riêng chị em phụ nữ đi làm ăn xa về lại quê hương không có việc làm mà ngay cả những phụ nữ ở nhà cũng bị mất việc do dịch.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Đak Pơ không có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp lớn, chỉ có ít công ty tư nhân nhỏ nên việc giải quyết việc làm cho chị em cũng bị hạn chế. Điều này đã tạo nhiều thách thức với các ban, ngành trong việc giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, trong đó có phụ nữ.

"Trước tình hình đó, Hội LHPN huyện đã rà soát và tham gia kết nối, tìm giải pháp giúp đỡ lao động nữ trở về từ vùng dịch. Hoạt động nhằm hỗ trợ chị em tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chúng tôi chủ động kết nối với các xưởng may gia công, một số công ty tư nhân làm ớt, dệt may, xưởng gỗ, đan ghế giả mây, quán tạp hóa ở các xã trên địa bàn để giới thiệu việc làm cho chị em. Hội đã nỗ lực hết mức có thể để chị em cảm nhận được sự quan tâm của tổ chức Hội. Qua đó, chị em sẽ gắn kết và tham gia vào các hoạt động Hội nhiều hơn", bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Pơ (Gia Lai), cho hay.

Một trong những hoạt động hiệu quả trong thời gian gần đây là Hội LHPN huyện đã giới thiệu chị em làm ăn xa, chị em bị thất nghiệp tại địa phương vào xưởng may gia công của chị Hoàng Thị Kim Cúc (xã Hà Tam, Đak Pơ). Xưởng hiện có 15 lao động nữ. "Chúng tôi đã tìm hiểu xưởng may của chị Cúc, kết nối để chị em sau khi thực hiện xong cách ly có thể vào làm việc ngay. Các lao động nữ vừa trở về từ TPHCM, Bình Dương thường có sẵn tay nghề may mặc nên không cần qua đào tạo, có thể bắt tay vào làm việc ngay. Các chị có việc làm, có thu nhập sẽ giải quyết khó khăn trước mắt cũng như ổn định cuộc sống sau này", bà Liên cho biết.

Trước đây, chị Hoàng Thị Kim Cúc hùn vốn mở xưởng may với một người chị, số lượng công nhân trên 30 người. Gần đây, chị tách ra làm riêng và tự mở xưởng may tại nhà. Hiện chị có 15 máy may. Xưởng của chị chủ yếu may gia công quần áo xuất khẩu đi nước ngoài. Chị Cúc bộc bạch: "Từ lâu, tôi đã ước mơ mở một xưởng may riêng. Tôi rất thích nghề may và cũng mong muốn tạo việc làm cho các chị em trên địa bàn xã, để các chị không cần phải xa quê tìm việc, xa gia đình, xa con cái... Việc mở xưởng may này sẽ giải quyết được một phần công việc cho lao động nữ tại đây. Vậy nên, tôi đã quyết tâm mở xưởng. Tôi thấy quyết định của mình đúng đắn bởi lực lượng lao động nữ tại địa phương rất dồi dào, họ lại chăm chỉ, chịu khó. Tôi luôn sẵn sàng nhận thêm các chị vừa trở về địa phương sau đợt dịch vừa qua vào làm việc. Bởi lẽ, các chị đã có tay nghề và bắt nhịp với công việc rất nhanh. Sắp tới, xưởng sẽ mở rộng thêm để hỗ trợ việc làm cho chị em ngay trên chính quê nhà mà không cần đi xa".

Bên cạnh kết nối hỗ trợ việc làm, Hội LHPN huyện Đak Pơ cũng tạo điều kiện hỗ trợ chị em tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và các nguồn quỹ của Hội để đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống sau mùa dịch. "Hội cũng rà soát các chị em đi làm ăn xa về, nếu có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế, khởi sự kinh doanh sau mùa dịch thì chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các chị tiếp cận các nguồn vốn vay, lãi suất ưu đãi. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đồng hành cùng chị em đi qua giai đoạn gian khó này", bà Liên nhấn mạnh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn