Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 90km đường biên giới giáp với Campuchia, trải dài trên 7 xã thuộc 3 huyện: Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Vì thế, vấn đề phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống cho người dân ở những khu vực này luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chung tay hỗ trợ.
Hưởng ứng chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng, tích cực triển khai với nhiều hoạt động cụ thể, góp phần mang lại cho hội viên là phụ nữ nghèo các xã biên giới cuộc sống tốt đẹp, có cơ hội vươn lên thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Chị Puih Phim (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt, 3 chị em mồ côi cha mẹ. Chị Phim dù mới lấy chồng nhưng vẫn phải nuôi 2 em. Căn nhà dựng tôn mấy chị em tá túc làm chưa được 1 năm từ nguồn vay ưu đãi dành cho người nghèo. Chị Phim tiếp tục được hỗ trợ 5 triệu đồng cùng ngày công để làm nhà vệ sinh, kéo nước sạch về dùng. Chị cảm động chia sẻ: “Có nhà mới nhưng bất tiện là chưa có công trình vệ sinh. Được hỗ trợ làm nhà vệ sinh không chỉ thuận tiện trong sinh hoạt mà còn an toàn cho mình và các con vì chúng còn nhỏ”.
Chị Puih H’Bi - Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Chía, huyện Ia Grai - cho biết, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được triển khai không chỉ giúp nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo mà còn làm thay đổi suy nghĩ, tư duy của chị em về công tác xã hội. Một số chị sau khi được tặng bò làm phương tiện sinh kế, tặng nhà mái ấm đã vươn lên thoát nghèo, sau đó tham gia tích cực các hoạt động hỗ trợ hội viên khó khăn khác. Ngoài ra, thoát nghèo còn giúp các chị nhận thức tốt hơn về các vấn đề xã hội, dân trí được nâng lên rõ rệt.
Cùng với đó, chương trình năm nay cũng đã tổ chức 3 lớp truyền thông an ninh biên giới, luật Phòng, chống mua bán người; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 545 hội viên phụ nữ tại các xã biên giới. Hội LHPN các huyện, xã biên giới cũng tổ chức 82 cuộc tuyên truyền về an ninh chính trị, chính sách đối ngoại của Đảng về phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em trên tuyến biên giới; nâng cao nhận thức về cảnh giác với chiêu trò lừa bịp “Việc nhẹ lương cao”; tảo hôn và hôn nhân cận huyết… tại các thôn, làng với hơn 5.000 lượt người người tham gia.
Do đặc thù địa hình ở tỉnh Gia Lai là vùng đất thuận tiện đi ra các cửa khẩu, người dân tộc, phụ nữ nghèo vùng biên giới hạn chế về dân trí, nhận thức nên đã không ít lần rơi vào “cạm bẫy”, là nạn nhân của các hoạt động lừa đảo, lôi kéo sang Campuchia làm việc với nhiều chiêu trò, cụ thể gần đây là “việc nhẹ lương cao”.
Chị Jrai Siu Blý (huyện Ia Grai) cảm thấy vô cùng hạnh phúc, mừng rỡ vì được trở về nhà nhưng không kém phần tủi hổ vì mắc bẫy. Sau một thời gian lưu lạc trong “động quỷ” ở đất nước Chùa tháp đã được ngành chức năng ở Việt Nam và Campuchia giải cứu, đưa về huyện Ia Grai trong sáng 7/7 vừa qua.
Không chỉ thế, trong các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, Hội LHPN tỉnh còn tham gia các đợt tuần tra cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng tại vành đai biên giới lồng ghép với vận động người dân không cơi nới, phát nương làm rẫy, phối hợp “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới”, nhắn tin ủng hộ chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chung tay xây dựng mô hình sinh kế cho phụ nữ vùng biên giới
Bà Rơ Chăm H’Hồng - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh - cho biết, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục "đồng hành" với phụ nữ ở các xã vùng biên toàn diện hơn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt thúc đẩy quyền năng kinh tế để phụ nữ vươn lên làm chủ cuộc sống.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn