Huyện Đắk Pơ (tỉnh Gia Lai) được thành lập theo Nghị định số 155/2003/NĐ-CP ngày 9/12/2003 của Chính phủ, trên cơ sở chia tách từ diện tích và dân số phía tây huyện An Khê. Đắk Pơ gồm 8 xã, thị trấn bao gồm: Thị trấn Đắk Pơ, các xã Phú An, Tân An, Cư An, Ya Hội, Yang Bắc, An Thành, Hà Tam. Ngày mới thành lập, Đắk Pơ đối mặt với muôn vàn khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, dân cư thưa thớt, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, trình độ canh tác lạc hậu, người dân đối mặt với đói nghèo...
Luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, Hội LHPN huyện Đắk Pơ không ngừng nỗ lực, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể, chung tay xây dựng Đắk Pơ phát triển. Một trong những nhiệm vụ được Hội LHPN Đắk Pơ dành sự quan tâm đặc biệt đó chính là việc đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Nhân Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (15/11 đến 15/12/2022), Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Pơ xung quanh vấn đề này.
PV: Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm nay, Hội LHPN huyện Đắk Pơ đã có những chương trình hành động, hoạt động cụ thể nào, thưa chị?
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Pơ Nguyễn Thị Liên: Xác định đây là đợt cao điểm truyền thông đến các tầng lớp hội viên, phụ nữ, đồng thời lan tỏa sâu rộng đến người dân, Hội LHPN huyện Đắk Pơ đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa như:
Triển khai cho 8 xã, thị trấn tổ chức sinh hoạt chi Hội phụ nữ tuyên truyền cho cán bộ hội viên về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới tại 49 chi Hội với 4.342 chị tham gia; Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các mô hình như CLB phụ nữ nói không với bạo lực gia đình, CLB xây dựng gia đình hạnh phúc và địa chỉ tin cậy cộng đồng. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ huyện, tổ chức tập huấn cho 114 Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND, Hội LHPN 8 xã, thị trấn, trưởng thôn, chi Hội trưởng phụ nữ thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện về chuyên đề bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình. Treo băng rôn tuyên truyền tại 8 xã, thị trấn, trụ sở khối Mặt trận - đoàn thể huyện.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Hội LHPN tỉnh, trong hai ngày 21 và 22/11, Hội LHPN Đắk Pơ đã tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền viên giỏi về xâm hại và bạo lực gia đình năm 2022. Hội thi là dịp để các tuyên truyền viên trau dồi kiến thức, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng trong công tác tuyên truyền. Qua đó, nâng cao khả năng vận động hội viên, phụ nữ và toàn xã hội tích cực tham gia hành động, thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Với nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép trong các hội thi, tập huấn, nội dung sinh hoạt hội đã góp phần nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ nói riêng, người dân nói chung về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới. Trong công tác truyền thông, ngoài đối tượng chính là hội viên, phụ nữ, các cấp Hội cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền đến nhóm nam giới, lãnh đạo chính quyền, ban ngành thôn. Nhờ đó, tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn huyện xảy ra ít, không nghiêm trọng.
PV: Đắk Pơ là huyện khó khăn của tỉnh Gia Lai với 15 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc với một tập tục sinh hoạt, truyền thống văn hóa gia đình khác nhau. Chị có thể chia sẻ về những rào cản, khó khăn trong việc truyền thông thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở địa phương?
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Pơ: Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chủ yếu là Bahnar, mỗi dân tộc với tập tục sinh hoạt truyền thống văn hóa gia đình khác nhau nên việc truyền thông thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới không tránh khỏi những rào cản, khó khăn.
Đa số chị em phụ nữ các dân tộc trên địa bàn huyện vẫn còn tư tưởng cam chịu, sợ xấu hổ với mọi người, hàng xóm nên chưa dám nói lên tiếng nói của mình. Một số việc lớn trong gia đình phần lớn do đàn ông quyết định. Bên cạnh đó, những phong tục tập quán, lối nghĩ cũ còn ăn sâu vào suy nghĩ của người dân về tư tưởng trọng nam kinh nữ. Đối với dân tộc Bahna, mặc dù theo phong tục mẫu hệ nhưng mọi quyết định chính cũng đều do người chồng quyết; đàn ông ít quan tâm, chia sẻ, gánh vác việc nhà trong gia đình cùng phụ nữ. Đối với dân tộc Kinh ở vùng nông thôn, phụ nữ luôn phải quán xuyến mọi việc trong gia đình, người chồng chỉ đi làm lo kinh tế, vai trò của phụ nữ trong gia đình chưa được bình đẳng thực sự; vai trò của các thành viên trong gia đình chưa phát huy; phụ nữ chưa dám lên tiếng, bảo vệ bản thân và trẻ em gái trước nguy cơ bạo lực gia đình.
PV: Tuy nhiên, vượt qua nhiều khó khăn, Hội LHPN Đắk Pơ đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng trong công tác thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Xin chị chia sẻ một số kết quả tiêu biểu trong công tác này?
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Pơ: Thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực như: Nam giới đã nhìn nhận được vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình, xã hội; tỷ lệ hội viên, phụ nữ tham gia hoạt động Hội đạt 73%; nam giới có nhận thức tiến bộ hơn trong việc cùng vợ và các thành viên trong gia đình bàn bạc đi đến quyết định, thống nhất chung trước một vấn đề quan trọng nào đó; họ cũng bắt đầu có sự chia sẻ việc nhà, việc đồng áng, dạy dỗ con cái với vợ….
Một trong những biểu hiện rất đáng mừng từ việc thực hiện thành công bình đẳng giới, đó là tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ở một số ngành, địa phương ngày càng tăng. Trong nhiệm kỳ qua, ở cấp huyện: có 5/32 cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, chiếm 15,62%; 2/11 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ, chiếm 18,18%. Ở cấp cơ sở: có 20/84 cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chiếm 23,81% (tăng 6,37% so với nhiệm kỳ trước); có 10/30 nữ đại biểu HĐND cấp huyện, chiếm 33,33% (tăng 6,76% so với nhiệm kỳ trước), cấp cơ sở 23,11% (tăng 0,94% so với nhiệm kỳ trước). Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo trưởng, phó các cơ quan, ban ngành khối Đảng, Nhà nước, Mặt trận – đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện là 23 chị, cấp xã là 31 chị.
Sau nhiều nỗ lực, đến nay, vấn đề bạo lực trong trong gia đình trên cơ sở giới ở Đắk Pơ đã được hạn chế đáng kể. Đa số hội viên, phụ nữ được được tư vấn pháp luật, cung cấp kiến thức, kỹ năng và được hỗ trợ kịp thời khi bị bạo hành. Hội cũng chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng xử lý nghiêm minh để răng đe các đối tượng bạo hành…
PV: Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Hội LHPN Đắk Pơ sẽ làm gì để mỗi ngày một hạn chế tối đa bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới?
Chủ tịch Hội LHPN huyện Đắk Pơ: Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, chú trọng truyên truyền trên mạng xã hội, Zalo, Facebook. Chúng tôi xây dựng chương trình hành động với những nội dung và mục tiêu cụ thể sau đây:
- Đặc biệt chú ý đến nhóm đối tượng tuyên truyền là nam giới để bình đẳng giới ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện bình đẳng thực sự. Chúng tôi cũng sẽ quan tâm, chú trọng công tác xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, nâng cao tuyên truyền pháp luật nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng bạo lực gia đình trên cơ sở giới.
- Triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn I: 2021 – 2025 trên địa bàn huyện Đắk Pơ.
- Tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền trong việc đề xuất chính sách quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ nữ phát triển; tăng số lượng đề đạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp phù hợp với năng lực.
- Quan tâm, chú trọng tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ làm chủ về tài chính, qua đó giúp tiếng nói, vai trò của phụ nữ được đề cao, coi trọng trong gia đình.
- Phối hợp các cơ quan, đoàn thể, ban ngành, cơ quan chức năng trong huyện tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể người dân, nhất là phụ nữ phát huy vai trò cá nhân, tự chủ, tự chủ, vượt lên rào cản xã hội và rào cản từ chính mình để khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình, xã hội.
Chúng tôi tin rằng, khi thực hiện tốt những điều này, chúng tôi sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách giới, hạn chế tối đa về tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Đắk Pơ.
PV: Trân trọng cảm ơn những thông tin và chia sẻ của chị. Hy vọng, với sự nỗ lực, chung tay của toàn thể hội viên, phụ nữ huyện Đắk Pơ, nhất định việc bất bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới ở địa phương sẽ sớm được đẩy lùi; phụ nữ và trẻ em gái Đắk Pơ sẽ được tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, khẳng định bản thân trong gia đình và xã hội!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn