Sau gần 2 năm thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN Gia Lai đã tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng nhiều mộ hình hỗ trợ, chăm lo trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để hiểu sâu hơn về hoạt động "Mẹ đỡ đầu" ở Gia Lai, Báo PNVN đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Rơ Chăm H'Hồng, Uỷ viên Ban chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai về vấn đề này.
PV: Thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN Gia Lai đã triển khai chương trình và huy động sức mạnh của các cấp hội Phụ nữ cùng toàn thể nhân dân ra sao, thưa bà?
Bà Rơ Chăm H’Hồng: Hưởng ứng Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do TW Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện phù hợp tình hình thực tế tại địa phương như: Kế hoạch số 569 ngày 3/10/2021 về việc triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid; Hướng dẫn số 01, ngày 21/12/2021 về việc hướng dẫn triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu"; Công văn số 838, ngày 28/4/2023 về việc tiếp tục nhận đăng ký đỡ đầu con mồ côi năm 2023…
Theo đó chỉ đạo, hướng dẫn cho các cấp Hội cụ thể các hoạt động để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình "Mẹ đỡ đầu", tạo điều kiện cho các cấp Hội, hội viên phụ nữ tự nguyện tham gia và hiểu được nội dung cách thức của chương trình để thực hiện hiệu quả.
Cùng với đó các cấp Hội tích cực tuyên truyền về chương trình "Mẹ đỡ đầu" đến hội viên phụ nữ, mạnh thường quân để phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia hưởng ứng chương trình; đăng tải những câu chuyện truyền cảm hứng liên quan đến chương trình "Mẹ đỡ đầu" trên trang thông tin điện tử của Hội, trên báo Gia lai, chuyên mục phụ nữ trên Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai, để lan toả những thông điệp tích cực từ chương trình này.
PV: Với sự chỉ đạo kịp thời, sự vào cuộc sôi nổi của các cấp Hội phụ nữ, sự chung tay của các mạnh thường quân, những tấm lòng nhân ái, chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Gia Lai đã đạt được kết quả ra sao?
Bà Rơ Chăm H’Hồng: Khi chương trình "Mẹ đỡ đầu" được phát động triển khai, 100% cơ sở Hội trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng thực hiện với hai hình thức: Một là hình thức gián tiếp (các tập thể, cá nhân nhận đỡ đầu thông qua gia đình người nuôi dưỡng, hoặc hỗ trợ, tài trợ thông qua chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương" tại các cấp Hội), hai là trực tiếp nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình.
Tính đến thời điểm hiện nay, theo rà soát, thống kê của Hội, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.700 trẻ em mồ côi; các cấp Hội đã trực tiếp nhận hoặc kết nối các tập thể, cá nhân nhận hỗ trợ, giúp đỡ 319 trẻ em mồ côi, trong đó có 23 trẻ em mồ côi do Covid-19. Các mẹ đỡ đầu đã gần gũi chăm sóc, động viên tinh thần; hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ các con học tập tại nhà; hướng dẫn các con làm việc nhà; cách vệ sinh cá nhân, chăm sóc bản thân; hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày phù hợp với nhu cầu sinh hoạt và học tập của các con; có những mẹ còn cam kết đỡ đầu lâu dài đến khi con 18 tuổi.
Các cấp Hội cũng đã có các mô hình, cách làm sáng tạo để triển khai thực hiện tốt chương trình như: Tại huyện Ia Pa có mô hình "BCH Hội LHPN xã Chư Mố đỡ đầu 01 trẻ em người DTTS mồ côi cha và mẹ đến năm 18 tuổi", mô hình "30 chị cán bộ Hội LHPN đỡ đầu 34 trẻ em mồ côi cha và mẹ đến năm 18 tuổi" tại huyện Đak Pơ; Hội LHPN huyện Krông Pa phối hợp với 45 đơn vị trường học trên địa bàn nhận đỡ đầu 715 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong đó có 31 trẻ em mồ côi).
Trong dịp Tết Nguyên đán, ngày Quốc tết thiếu nhi, Tết Trung thu, nhân dịp năm học mới, Hội phụ nữ và các mẹ đỡ đầu đều có những phần quà động viên để các con có được niềm vui, động lực, sự ấm áp để vươn lên trong cuộc sống, trong học tập. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ về vật chất, cung cấp các vật dụng thiết yếu (chăn, màn, đồ dùng học tập, xe đạp,…) với tổng trị giá gần 900 triệu đồng.
Cùng với đó, các cấp Hội tích cực tham gia giám sát và phản biện các văn bản, chính sách liên quan đến trẻ em mồ côi theo chức năng nhiệm vụ của Hội; hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em mồ côi và gia đình tiếp nhận các chính sách hỗ trợ. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ban hành kế hoạch về kiểm tra, giám sát hoạt động Hội LHPN các cấp năm 2023, theo đó Hội LHPN tỉnh thực hiện giám sát chuyên đề tại huyện Đăk Pơ với nội dung: Giám sát việc triển khai, thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu" đối với trẻ em mồ côi và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gắn với hoạt động của các cấp Hội từ năm 2021 đến nay.
Qua gần 02 năm triển khai thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu", nhìn chung các cấp Hội đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trong triển khai thực hiện và tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Chương trình được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao; được các cấp Hội Phụ nữ nói riêng, cộng đồng nói chung hưởng ứng và lan toả mạnh mẽ.
Có thể nói, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" không chỉ phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ mà còn khơi dậy tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của các tầng lớp phụ nữ Gia Lai trong tham gia thực hiện công tác chăm sóc, giúp đỡ, nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, tạo điều kiện cho các em được phát triển toàn diện, được sống trong môi trường an toàn.
PV: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Gia Lai sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa bà?
Bà Rơ Chăm H’Hồng: Trong thời gian tới, Hội LHPN Gia Lai xác định sẽ tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm của chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong thời gian tới, đó là:
1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyền truyền triển khai thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi qua trang thông tin điện tử của Hội, nhóm Zalo, Facebook, chuyên mục phụ nữ trên đài PTTH; thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự về các mô hình hay, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ giữa "Mẹ đỡ đầu" và con mồ côi. Đẩy mạnh, giới thiệu Chương trình "Mẹ đỡ đầu" đến các tổ chức, cá nhân, nữ Doanh nghiệp trên địa bàn biết về Chương trình "Mẹ đỡ đầu" và tự nguyện hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.
2. Tổ chức hội nghị, giao lưu, tôn vinh "Mẹ đỡ đầu"; tiếp tục phát hiện, giới thiệu các điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt, sáng tạo chương trình nhằm tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng, để Chương trình "Mẹ đỡ đầu" thật sự là nơi truyền cảm hứng, trao gửi yêu thương, chắp cánh cho các con thêm nghị lực trở thành công dân có ích cho xã hội.
3. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho trẻ em mồ côi do Covid nói riêng và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn nói chung trên địa bàn nhân dịp Lễ, Tết, năm học mới; tổ chức giao lưu Mẹ và Con; thường xuyên biểu dương những em mồ côi có thành tích tốt trong học tập.
4. Giới thiệu cho Mẹ đỡ đầu tham gia học các lớp tập huấn, truyền thông về các kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tâm lý trẻ vị thành viên; kỹ năng sống và an toàn cho trẻ...
5. Tham gia giám sát và phản biện các văn bản, chính sách liên quan đến trẻ em mồ côi theo chức năng nhiệm vụ của Hội; hỗ trợ, hướng dẫn trẻ em mồ côi và gia đình tiếp nhận các chính sách hỗ trợ.
6. Định kỳ, đột xuất kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" tại cơ sở Hội, tùy tình hình thực tế có thể bố trí kiểm tra chương trình, kế hoạch riêng hoặc kiểm tra lồng ghép với các hoạt động của Hội.
PV: Trân trọng cảm ơn bà! Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chung tay, hiệp sức, đồng lòng của các cấp Hội Phụ nữ Gia Lai, Chương trình "Mẹ đỡ đầu" ở địa phương sẽ gặt hái được nhiều thành công, lan toả mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần xoa dịu nỗi đau của trẻ em mồ côi do Covid-19, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn