Giá mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán 2019 có biến động mạnh?

11:00 | 03/01/2019;
Dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng cao đột biến vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.

Chiều 2/1, Văn phòng Bộ Tài chính cho biết Bộ này vừa có Chỉ thị Về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019.

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là trong thời điểm có nhu cầu cao trong dịp Tết, để có các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp, ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá...

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề nghị Giám đốc Sở Tài chính các tỉnh/thành phối hợp theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết. Đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; đề xuất kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt, cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đặc biệt, “không để xảy ra hiện tượng lợi dụng thời điểm Tết để tăng giá dây chuyền”.

hang-hoa-tet-2019.jpg
Các doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu với tổng số tiền lên hơn 46.000 tỷ đồng để ngăn sốt giá. Ảnh minh họa

 

Theo nhiều chuyên gia dự báo, tình hình giá cả các mặt hàng tiêu dùng thời điểm trước trong và sau Tết sẽ không có nhiều biến động mạnh. Các mặt hàng đầu vào như xăng dầu, điện trong thời điểm này đang được giữ ổn định, nên không có tác động mạnh tới các mặt hàng tiêu dùng khác, đồng thời tránh được hiện tượng “té nước theo mưa”.

Mới đây, lần đầu tiên giá xăng dầu được điều chỉnh giảm ngay trong đêm giao thừa Tết Dương lịch. Liên bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá xăng dầu ngay từ 0h ngày 1/1/2019. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm 515 đồng/lít, bán ra ở mức không cao hơn 16.272 đồng/lít. Giá xăng RON 95-III cũng giảm 538 đồng/lít; bán ở mức không cao hơn 17.603 đồng/lít. Các loại dầu cũng đồng loạt giảm giá mạnh. 

Cùng với đó, ngay những tháng vừa qua, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh tích trữ hàng bình ổn giá. Đặc biệt là các doanh nghiệp ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu khá dồi dào với tổng số tiền lên hơn 46.000 tỷ đồng để trữ hàng, ngăn sốt giá, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh thời điểm trước, trong và sau Tết của người tiêu dùng.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Hà Nội đã tăng cường các mặt hàng thiết yếu như gạo, các loại thịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ tươi, các mặt hàng nông lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu, bia nước giải khát…

Tổng giá trị kế hoạch dự trữ hàng hóa ước tính tăng 10% so với kế hoạch năm 2018, đạt 28,5 nghìn tỉ đồng. ​Dự kiến một số mặt hàng chuẩn bị cung ứng cho dịp Tết gồm 190.600 tấn gạo, 44.000 tấn thịt lợn, 14.600 tấn thịt gà, hơn 12 tấn thịt bò, 256 triệu quả trứng gà vịt, 254 tấn rau, củ, 200 triệu lít rượu bia, nước giải khát…

Còn đầu tầu kinh tế lớn Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị lượng hàng hóa cho mùa tết Kỷ Hợi 2019 tăng 13,2% đến 16,9% so với kế hoạch và tăng 23% - 36% so với kết quả thực hiện Tết năm ngoái.

Tổng trị giá các nhóm hàng lương thực, thực phẩm được các doanh nghiệp dự trữ cung ứng cho 2 tháng tết là gần 19 ngàn tỷ đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn