Gia nhập CPTTP người dân được lợi gì?

10:36 | 05/11/2018;
Tại hội trường sáng nay (5/11), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nước ta tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) sẽ có tác động lớn tới kinh tế; nhưng cũng kèm theo rất nhiều thách thức, khó khăn với người dân, lao động việc làm; các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Gia nhập CPTTP có tác động lớn tới một số ngành kinh tế, dự kiến đạt mức tăng trưởng cao nhất với các ngành thực phẩm, thuốc lá, dệt may, hóa chất, sản phẩm nhựa….

Tuy nhiên, theo ông Lợi, trên thực tế, đây là những ngành thâm hụt lao động, khó có khả năng nâng cao năng suất lao động và bảo đảm việc làm bền vững. Việc mở rộng thúc thẩy tăng trưởng việc làm trong những lĩnh vực này cần phải đánh giá khách quan trên phương diện thách thức lớn hơn cơ hội. Bởi thách thức về tiền lương, thu nhập, khả năng đáp ứng nguồn nhân lực… khi lợi thế nguồn nhân lực của nước ta đang giảm dần, trong bối cảnh già hóa dân số.

Về lĩnh vực lao động, đại biểu Bùi Sỹ lợi cho biết: Liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt trong lao động… về cơ bản phù hợp với tiêu chuẩn của tổ chức lao động Quốc tế ILO và cam kết của CPTTP. Tuy nhiên, để thực thi nghiêm túc các cam kết với hiệp định CPTTP, “Chính phủ cần rà soát điều chỉnh hệ thống pháp luật cho phù hợp; đồng thời tăng cường giảm thiểu lao động trẻ em trong bối cảnh lao động nước ta chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, phi chính thức còn chiếm tỷ lệ lớn lao động trẻ em”.

Mặt khác, Chính phủ cần quan tâm, xem xét ký kết 3 công ước theo đề nghị của ILO về: Quyền tự do hiệp hội và tổ chức; quyền tổ chức và thươgn lượng tập thể; Xóa bỏ lao động cưỡng bức.

lao-dong-nu.jpg
Lợi thế về nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như dệt may, da giày... sẽ không còn là thế mạnh của Việt Nam khi gia nhập CPTTP

Còn đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn ĐBQH Thái Bình, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đánh giá: Phê chuẩn Hiệp định CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thương mại, đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại. Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân.

Nếu được phê chuẩn, đại biểu này cũng đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng và triển khai Chương trình hành động bảo đảm thực thi Hiệp định có hiệu quả. Trong đó cần nhấn mạnh việc hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... “Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại”, ông Lộc nói.

Trước đó, Chính phủ đã báo cáo thuyết minh trước Quốc hội về Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) có hiệu lực từ 31/12/2018. Trong đó, việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035.

Về mặt xã hội, tham gia CPTPP sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000.

Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 đô-la Mỹ/ngày.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn