Khi học trò vùng cao thiếu sách không còn là điều hiếm
Điều này đúng với tình trạng đang diễn ra tại trường Tiểu học Lượng Minh (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An). Đây là địa bàn vùng núi thuộc diện khó khăn của tỉnh, và ngôi trường với hơn 500 học sinh phải có đến 8 điểm trường rải rác khắp nơi mới phủ được lượng học sinh do địa hình cách trở. Cô Lương Thị Hằng – giáo viên mỹ thuật của trường, đã rất bất ngờ với thông tin SGK mới tăng giá.
Nữ giáo viên chia sẻ, trường cô đang dạy thuộc diện đặc biệt khó khăn, và mỗi đầu năm học, việc học sinh không có sách để học chẳng còn là điều hiếm. "Có những điểm trường, gần như 100% học sinh không có nổi một bộ sách mới, trường phải ứng trước, đăng ký mua tại phòng GD&ĐT rồi phụ huynh rải rác bù tiền sau, chúng tôi buộc phải làm vậy để đảm bảo sách học cho các em. Giờ giá sách tăng 3 – 4 lần, phụ huynh làm sao đủ tiền mua cho con?" – cô Hằng băn khoăn.
Bản thân nữ giáo viên trong quá trình dạy học cũng khó khăn đủ bề, nhiều lần tự bỏ tiền ra mua học liệu như sáp màu, giấy vẽ… để phát cho học sinh do nhiều em không được bố mẹ trang bị đủ, nhà trường cũng chỉ hỗ trợ một phần nhỏ. "Tất cả giáo viên các môn hầu như đều phải chủ động, nhằm đảm bảo hiệu quả môn học tốt nhất vì biết nhiều gia đình quá khó khăn" – cô Hằng bộc bạch.
Đây cũng là băn khoăn của thầy Lê Đức Dũng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Đường (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) – một trong những xã khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh. Hơn 40 năm trong nghề, thầy Dũng luôn dành tâm huyết, tình cảm cho học trò và ngôi trường mình gắn bó, bởi vậy trước thông tin sách tăng giá, thầy rất trăn trở.
Thầy chia sẻ, trong nguồn kinh phí cho phép, hằng năm trường Tiểu học Xuân Đường thường mua một số bộ SGK để cô và trò cùng dùng chung, trò nào không có sách thì đăng ký mượn, hết năm trả lại. Nhiều thời điểm nhu cầu tăng cao, thầy phải vận động thêm kinh phí từ cha mẹ học sinh hoặc các mạnh thường quân để bù đắp cho các em. Một công việc chật vật, để mua những bộ SGK với giá cũ.
"Giá sách nhảy vọt lên 250 – 300.000đ/bộ, thì đây đã là câu chuyện khác rồi! Với xã Xuân Đường, đây là áp lực không hề nhỏ với gia đình mỗi em!" – thầy Dũng thảng thốt.
Những phương án "tự thân vận động"
Vốn là người giàu tâm huyết, sáng tạo, thầy Lê Đức Dũng cho biết cơ chế giá sách thả nổi theo thị trường buộc các trường khó khăn như trường tiểu học Xuân Đường, trước sau gì cũng phải tự cách xoay sở.
"Ăn thua ở cách làm của mỗi đơn vị. Với cái khó này thì ngay từ đầu năm học, theo tôi nhà trường cần nêu cao chủ trương nói không với các khoản thu không cần thiết, hãy để gia đình tập trung lo cho việc mua sách, đảm bảo đủ mỗi em một bộ sách. Còn đồng phục, phù hiệu, quỹ lớp… thì tôi nghĩ chưa nên đặt nặng, có thể giãn ra hoặc bỏ thu được phần nào thì nên bỏ!" – thầy Dũng nói.
Cũng theo thầy, hoàn toàn có thể can thiệp bằng chính sách để lồng ghép hỗ trợ mua SGK cho học sinh. "Trường tôi bấy lâu nay, các em hộ nghèo vẫn được hỗ trợ bằng một nguồn học bổng chính thức từ Nhà nước, một học kỳ được bao nhiều tiền đó. Có thể hoàn toàn lồng ghép được để ưu tiên cho việc mua sách. Đây là đối tượng cần được nâng đỡ" – thầy Dũng cho biết.
Điều mà thầy Dũng trăn trở, đó là làm sao phụ huynh bỏ tiền ra xứng đáng với những gì mà họ được hưởng. "Sách là cơ chế thị trường. Kinh nghiệm của một số nước thì cho thấy sách rất đắt nhưng bù lại chất lượng sách rất tốt, họ có thể lưu trữ được lâu dài. Mình không thể làm hời hợt được, làm sao mang lại được giá trị sử dụng lâu dài mới là điều khó" – thầy nói.
Đem băn khoăn về giá sách đi hỏi lãnh đạo một phòng giáo dục, thì câu trả lời nhận lại rất mơ hồ. Ông Phan Văn Thiết – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) khi được hỏi, vội trả lời ngay là ông chưa có bình luận gì, dù đã nắm bắt được giá SGK mới.
"Chúng tôi chưa thể bình luận rằng giá sách mới cao hay thấp, vì còn nghiên cứu kỹ về chất lượng sách nữa. Trước mắt chưa đánh giá về giá thành mà còn phải xem chất lượng sách, chất lượng in ấn, cho nên chúng tôi chưa thể trả lời được. Chưa nghiên cứu nên chưa có căn cứ, vì thế rất khó nói" – ông Thiết cho hay.
Mọi phương án chỉ là trước mắt, tự thân, còn các cơ quan chức năng liên quan thì cũng đang giai đoạn tìm hiểu khi bây giờ mới được tiếp cận bộ sách mới về mọi phương diện, để xem xem giá như vậy là cao hay thấy so với số tiền mà phụ huynh bỏ ra, việc có phương án hỗ trợ tiếp theo vì thế càng... xa vời.
Và thực tế vẫn đang hiện hữu, đó là với mức giá này, học sinh vùng cao, miền núi khó khăn chắc chắn sẽ càng gặp khó khăn hơn nhiều lần với việc cầm trên tay những cuốn SGK mới – học liệu cơ bản để giúp các em học tập mỗi ngày.
NXB Đại học Sư phạm TP.HCM phối hợp cùng NXB Đại học Sư phạm và Cty CP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam vừa chính thức công bố giá sách của bộ SGK mới lớp 1 "Cánh diều". Giá cả bộ sách là 199.000đ với 8 môn. Mức giá này cao hơn 3,5 lần so với giá bộ SGK lớp 1 năm học 2019-2020 theo chương trình hiện hành, với giá là 54.000đ (gồm 6 cuốn: Tiếng Việt (hai tập), Tập viết (hai tập), Toán, Tự nhiên và Xã hội). Với riêng SGK tiếng Anh mới, các NXB cũng kê khai giá dao động từ 45.000 - 99.000đ/cuốn.
Đặc biệt, có thể thấy mức giá cao hơn rất nhiều so với SGK hiện hành. Cụ thể: Cuốn SGK lớp 1 năm học 2019-2020 có giá cao nhất là 14.000 đồng, thì cuốn SGK lớp 1 mới, kê khai giá cao nhất là 36.000đ (bằng 257% giá hiện hành). Tương tự, cuốn sách hiện hành giá thấp nhất là 3.000đ thì cuốn SGK lớp 1 mới giá thấp nhất là 11.000đ (bằng 366,6% giá hiện hành). SGK Tự nhiên và Xã hội hiện hành giá 6.000đ thì cuốn tương tự của NXB ĐH Sư phạm có giá 28.000đ (bằng 466,6% giá hiện hành); SGK Toán 1 (dùng chung cả năm) hiện hành có giá 13.000đ thì SGK Toán 1 mới của NXB ĐH Sư phạm có giá 35.000đ (bằng 269% giá hiện hành).
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn