Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 270.278 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó 108 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (56.240/21) số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp. Riêng trong tuần 42 (cập nhật đến ngày 21/10), cả nước ghi nhận 9.677 trường hợp mắc SXH. So với tuần trước (11.260) số mắc giảm 14,1%.
Tại Hà Nội, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần 42, Hà Nội ghi nhận 1.420 ca mắc SXH tại 30 quận/huyện/thị xã. Cộng dồn năm 2022, Hà Nội có 8.199 ca mắc, 5 bệnh nhân tử vong.
Khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục ghi nhận số mắc và tử vong ở mức cao. Dự báo trong thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ nay đến tháng 11.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch SXH lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch lớn xảy ra. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, nếu trong tháng 8 số bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 bệnh nhân, thì con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250.
Theo PGS. Đỗ Duy Cường, các biểu hiện ban đầu của SXH có thể gây nhầm lẫn với sốt virus thông thường, điều này khiến bệnh nhân chủ quan, không điều trị kịp thời làm tăng nguy cơ tử vong.
Khi mắc SXH giai đoạn khởi phát thường có biểu hiện sốt cao liên tục, sốt đột ngột trên 40 độ C. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ còn có các dấu hiệu bệnh SXH điển hình như: mệt mỏi, chán ăn, xuất hiện những cơn đau bụng, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau đầu, nhức hai hố mắt... Chính các biểu hiện đau cơ, đau đầu mà nhiều người lầm tưởng là cảm sốt nên đánh cảm.
Có trường hợp thấy sốt, đau nóng họng đã tự uống kháng sinh để chữa viêm họng. Khi trẻ sốt cao, nhiều cha mẹ cho rằng do thay đổi thời tiết hoặc sốt virus.
Ngoài ra, virus gây SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Người bệnh nhiễm với chủng virus nào thì có khả năng tạo nên miễn dịch với chủng virus đó. Vì thế, kể cả vừa mắc xong nhưng ở chủng khác và nếu nhiễm chủng mới thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Khi đi khám, bác sĩ xác định nếu bệnh nhân ỏw tình trạng nhẹ, người bệnh SXH được cấp đơn thuốc và điều trị ngoại trú. Nếu ở thể nặng như: đau đầu, sốt cao, tiểu cầu giảm, bạch cầu giảm, có nhiều nốt xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng... sẽ được chỉ định nhập viện theo dõi.
Với những người bệnh SXH thể nhẹ được điều trị theo dõi ngoại trú cũng cần phải sát sao theo dõi các biểu hiện trầm trọng của bệnh. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu để nhập viện tránh nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh là vô cùng quan trọng.
Nếu người bệnh đau bụng nhiều, đau liên tục, đau nhiều vùng gan, đôi khi bệnh nhân có thể lơ mơ, rối loạn tri giác. Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện nôn ói, khó thở, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, chảy máu miệng, nôn ra máu, đại tiện phân đen hoặc máu, tiểu máu, xuất huyết âm đạo bất thường… cần nhập viện ngay lập tức để được các bác sĩ điều trị.
Trong quá trình chăm sóc, điều trị SXH nhiều người có thói quen dùng thuốc tùy tiện đã đem lại nhiều hệ lụy. Những hiểu lầm này thực sự nguy hiểm, vì SXH là một diễn tiến tự nhiên, không ngăn ngừa được tình trạng sốc của người bệnh. Người bệnh SXH chỉ truyền dịch khi có chỉ định, thường các bác sĩ xem xét người bệnh nôn ói, tiêu chảy nhiều hay ít, không ăn uống được, mất nước... Còn với người bệnh chỉ có sốt nếu tự ý truyền dịch không chỉ nguy hại mà còn gây khó khăn cho vấn đề điều trị tiếp theo của bệnh nhân.
Tương tự việc dùng kháng sinh không đúng không chỉ làm người bệnh mệt mỏi do tác dụng phụ. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh, không truyền dịch tại nhà.
Khi mắc SXH nhiều người thường kiêng khem. Tuy nhiên, việc kiêng khem tuyệt đối nhiều loại thực phẩm khiến cho người bệnh ăn không ngon, thiếu hụt vitamin, khoáng chất dẫn đến lâu bình phục. Do đó, người bệnh nên ăn uống đảm bảo bổ sung đủ 4 nhóm chất cơ bản như tinh bột (gạo, ngô, khoai...), chất đạm (thịt, trứng, cá...), chất béo (dầu, mỡ) và khoáng chất (rau, củ, quả...); bổ sung các loại nước để bù nước, chất điện giải; ăn nhiều trái cây, rau xanh, đảm bảo môi trường sạch sẽ và thoáng.
Hiện vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu SXH. Vì vậy, mỗi người cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn