Liên tiếp ca sốt xuất huyết nặng
Từ đầu tháng 10 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (BV Bạch Mai) đã tiếp nhận 250 bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH). Theo lãnh đạo trung tâm, đa số các bệnh nhân đều nặng, thậm chí đã có trường hợp phải lọc máu, chạy ECMO (tim phổi nhân tạo).
Mới đây nhất là trường hợp nữ bệnh nhân T.H. (26 tuổi, trú tại Nam Định). Bệnh nhân nhập viện tuyến dưới sau 2 ngày sốt, đau mỏi người. Khi nhập viện, bệnh nhân đã hết sốt nhưng xuất hiện tình trạng đau bụng thượng vị nhiều, xét nghiệm thấy tiểu cầu giảm nên được chuyển lên BV Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc SXH. Sau 3 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.M.Đ. (39 tuổi, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, da xung huyết. Kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân tăng men gan, suy gan, ứ đọng đờm dãi, tổn thương phổi, gan, tiểu cầu hạ, cô đặc máu, có dịch ở bụng, suy đa phủ tạng… Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị, đến nay vẫn trong tình trạng nguy kịch.
Gia đình cho biết, bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Tuy nhiên, trước đó vợ và con bệnh nhân cũng đã mắc SXH. Trước khi vào viện 12 ngày, bệnh nhân có sốt cao, đau mỏi người, có xét nghiệm SXH cho kết quả dương tính, nhưng điều trị tại nhà. Sau đó bệnh nhân rét run, tự truyền dịch 2 ngày không đỡ mới đến Trung tâm Bệnh Nhiệt đới để điều trị.
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, số lượng bệnh nhân SXH từ đầu tháng 10 đến nay đã tăng rất nhiều so với các tháng trước đó và có xu hướng vẫn tiếp tục tăng. Chỉ riêng tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, trung bình mỗi ngày có 10 – 20 bệnh nhân XH nặng có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện. Các bệnh nhân đều đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng, có bệnh nhân có biểu hiện sốc, cô đặc máu, suy đa tạng, suy gan, suy thận.
Cũng theo bác sĩ Cường, có nhiều người khi bị sốt thì nghĩ là do cúm hoặc Covid-19 hay một số bệnh khác mà không nghĩ mình mắc SXH. Chỉ đến ngày thứ 4, thứ 5, lúc đó máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ thì mới đến viện. Đặc biệt, một số người có tâm lý ngại đi BV nên đến các phòng khám tư nhân để truyền dịch hoặc truyền các thuốc bổ hay đạm. Đây là những dung dịch không được khuyến cáo.
Những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết
Bác sĩ Hà Huy Tình, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến các bệnh nhân SXH dễ trở nặng. Tuy nhiên, tựu chung lại có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất là do người bệnh tự ý dùng thuốc điều trị: Khi mới bắt đầu, người bệnh thường sốt ruột, lo lắng tìm mọi cách để nhanh chóng hạ cơn sốt bằng cách tăng liều thuốc hạ sốt. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì việc dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận. Hoặc nhiều trường hợp nhân viên nhà thuốc để giúp người bệnh đỡ đau nhức, hạ sốt nhanh đã kê thêm các loại thuốc có thành phần Corticoid, loại thuốc này dễ dẫn đến rối loạn đông máu, càng nguy hiểm cho người bệnh. Do đó, khi có vấn đề về sức khỏe phải đến bệnh viện thăm khám để tìm ra nguyên nhân, kiểm tra kỹ các dấu hiệu cảnh báo… Khi bị sốt cần uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng liều, không tự ý tăng hay bớt liều, không sử dụng corticoid.
Thứ hai, nhiều bệnh nhân cho rằng hết sốt là khỏi bệnh, chủ quan không thăm khám lại. Trong khi đó, SXH thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Theo BS Tình, phần lớn các trường hợp điều trị tại nhà mắc sai lầm chỉ chú trọng điều trị giai đoạn đầu. Chỉ đến khi xuất hiện các dấu hiệu xuất huyết da, chảy máu cam, chảy máu lợi… mới đến viện thăm khám khi đó việc điều trị sẽ khó khăn hơn.
Thứ ba, nhiều người cho rằng, SXH chỉ mắc một lần. Vì vậy, nhiều bệnh nhân sốt cao đến viện thăm khám khi bác sĩ thông báo bị SXH thì rất ngỡ ngàng vì cho rằng họ đã từng mắc rồi nên sẽ không mắc lại nữa. Tuy nhiên, SXH có 4 chủng khác nhau được ký hiệu (D1, D2, D3, D4) nếu mắc chủng loại này rồi vẫn có thể mắc loại khác, tức mỗi người vẫn có thể mắc tới 4 lần sốt xuất huyết trong đời.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi nghi ngờ mắc SXH nên đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Trong 3 ngày đầu nếu có chỉ định theo dõi tại nhà cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, ăn thức ăn lỏng, cháo, súp, sữa, uống nhiều nước… Nếu thấy bệnh nhân có chuyển biến nặng hơn như li bì, vật vã, chân tay lạnh, nôn nhiều… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để thăm khám.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn