Giá trị bình đẳng - Chìa khóa phát triển bền vững của doanh nghiệp

21:54 | 21/05/2019;
Việc tạo ra một môi trường trong tổ chức, nơi các nữ lãnh đạo có thể phát triển mạnh mẽ đòi hỏi một nền văn hóa đa dạng và toàn diện. Bên cạnh đó, cần xây dựng giá trị bình đẳng tại nơi làm việc: Cân bằng giới ở mặt cấp độ, bình đẳng về tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến, văn hóa doanh nghiệp đa dạng và bao trùm, điều kiện làm việc linh hoạt, bình đẳng tiền lương…
Các chủ doanh nghiệp Việt Nam không nên chỉ dừng ở việc cam kết mà phải hướng tới hành động cụ thể, bắt đầu từ hoàn thiện chính sách nhân sự hỗ trợ việc xóa bỏ các rào cản về giới, đạt được chứng chỉ về lợi ích kinh tế của bình đẳng giới, tiên phong thay đổi văn hóa doanh nghiệp, từ đó tạo ảnh hưởng tích cực trong lĩnh vực kinh doanh của mình nói riêng và trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung” - Đó là những chia sẻ của bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam tại tọa đàm “Tầm nhìn lãnh đạo: Giá trị bình đẳng - Chìa khóa Phát triển bền vững của Doanh nghiệp” diễn ra tại Hà Nội ngày 21/5.
 
binh-dang-phat-trien-doanh-nghiep-ben-vung-5.JPG
Bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Mạng lưới VBCWE và bà Julia Newton-Howes – Giám đốc Dự án Investing in Women

 

Tọa đàm do VBCWE phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức, được hỗ trợ bởi Dự án Investing in Women (sáng kiến của Chính phủ Australia). Đây là sự kiện tiếp nối hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và toàn xã hội nói chung về bình đẳng giới trong môi trường làm việc và lợi ích kinh tế của việc xây dựng, duy trì các giá trị này.
 
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch VBCSD đã phân tích các yếu tố tạo nên một doanh nghiệp phát triển bền vững theo mô hình toàn cầu và thực trạng áp dụng tại Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đưa các tiêu chí về bình đẳng giới trong kinh doanh vào Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI). Theo ông Vinh, nền kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế hướng đến việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong toàn chuỗi giá trị, từ sản xuất tới tiêu dùng và quá trình phục hồi. Ứng dụng nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh và đưa tới cơ hội phát triển toàn cầu trị giá tới 4.500 tỷ USD vào năm 2030.
 
binh-dang-phat-trien-doanh-nghiep-ben-vung-4.JPG
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch VBCSD

  

Cũng tại sự kiện, bà Hà Thu Thanh đã chia sẻ về những thách thức đối với các nữ lãnh đạo Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế. Theo bà Thanh, tốc độ phát triển của công nghệ ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy nhu cầu thay đổi tổ chức một cách nhanh chóng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Hơn thế nữa, việc tạo ra một môi trường trong tổ chức, nơi các nữ lãnh đạo có thể phát triển mạnh mẽ đòi hỏi một nền văn hóa đa dạng và toàn diện. Do đó, nhà lãnh đạo cũng cần phải mạnh mẽ và toàn diện. Bên cạnh đó, cần xây dựng giá trị bình đẳng tại nơi làm việc: Cân bằng giới ở mặt cấp độ, bình đẳng về tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến, văn hóa doanh nghiệp đa dạng và bao trùm, điều kiện làm việc linh hoạt, bình đẳng tiền lương…
 
Tại phiên thảo luận “Giá trị bình đẳng - Chìa khóa phát triển bền vững của doanh nghiệp”, lãnh đạo các doanh nghiệp đã chia sẻ những câu chuyện thực tế từ các lãnh đạo doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cho thấy việc xây dựng và thực hiện các chính sách đảm bảo những giá trị bình đẳng, không phân biệt đối xử ở nơi làm việc, tạo cơ hội đào tạo và thăng tiến như nhau cho cả người lao động đa dạng về giới sẽ mang lại những lợi ích trực tiếp về mặt kinh tế cho doanh nghiệp như nâng cao năng suất lao động, giá trị thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp và hiệu quả kinh doanh.
binh-dang-phat-trien-doanh-nghiep-ben-vung-3.JPG
Ông Nguyễn Khải Hoàn - Giám đốc tài chính Công ty FPT Software chia sẻ tại tọa đàm

  

Ông Nguyễn Khải Hoàn - Giám đốc tài chính Công ty FPT Software nhấn mạnh, để thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp về bình đẳng tại nơi làm việc, trước tiên, doanh nghiệp cần nhìn nhận và đánh giá lại các chính sách nhân sự tại doanh nghiệp mình, để từ đó đưa ra được mục tiêu, chiến lược và hành động rõ ràng. Doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về những giá trị mà bình đẳng giới mang lại đối với hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, tư duy của nhà lãnh đạo đóng vai trò then chốt, là nền tảng để xây dựng được một chính sách nhân sự tốt hơn, tạo điều kiện phát triển bình đẳng cho cả nam và nữ. Đối với FPT Software, việc tuyển dụng các nhân viên nữ được chú trọng rất nhiều. Thậm chí nữ giới còn được nhiều ưu đãi hơn so với nam giới khi làm việc. Thế nhưng, nhân viên nữ hiện chỉ chiếm 30% trong FPT Software.
 
binh-dang-phat-trien-doanh-nghiep-ben-vung-2.JPG
Lễ trao Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE cho ông ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Saigon Foods, Gốm sứ Quang Vinh, công ty Maxport Limited Vietnam

  

Cũng trong khuôn khổ của Tọa đàm đã diễn ra Lễ trao Chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Lợi ích kinh tế từ Bình đẳng giới) cho Công ty TNHH Deloitte Việt Nam và kết nạp thành viên mới của Mạng lưới VBCWE.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn