"Giã từ vũ khí" cảm xúc

08:27 | 09/05/2024;
Hôn nhân hay cả những mối quan hệ khác vốn được xây đắp, nuôi dưỡng bằng cảm xúc. Nhưng nó cũng rất dễ bị phá hủy bởi cảm xúc. Nếu như một trong hai người trong mối quan hệ đó dùng cảm xúc như một thứ vũ khí để tấn công hoặc thao túng nhau.
Khi cảm xúc trở thành vũ khí

Amy Morin, nhà tâm lý học, giảng viên Đại học Đông Bắc (Mỹ), người đã có 20 năm kinh nghiệm trong trợ giúp hôn nhân, nói rằng: Điểm chung giữa các cặp đôi sở hữu tinh thần khỏe mạnh là họ không bao giờ sử dụng cảm xúc làm vũ khí. 

Chẳng hạn, một số người sẽ dùng "chiêu" khóc to để đối phương ngừng nói về chủ đề nào đó. Họ bày tỏ giận dữ khi muốn đối phương thay đổi quan điểm hay khiến đối phương cảm thấy tội lỗi để thay đổi hành vi hoặc "chiến tranh lạnh" khi xảy ra xung đột.

"Lần nào nói chuyện với nhau về những thứ anh ấy sai là y như rằng anh ấy quát tháo ầm ĩ. Riết rồi em không muốn nói nữa". Nhiều người vợ kể với tôi như thế. Và cả những người chồng nữa, họ cũng than thở: "Thà là hai vợ chồng cãi nhau một trận tưng bừng còn hơn cô ấy cứ im lặng, tỏ ra thái độ rất khinh khỉnh. Điều đó khiến tôi muốn tức điên lên vì cảm giác lòng tự trọng của mình bị tấn công vậy". 

Hay lại có người (cả vợ lẫn chồng) thì lại: "Đáng sợ nhất không phải là cãi nhau, đáng sợ nhất là đối phương dùng chiến tranh lạnh để giải quyết vấn đề. Điều đó khiến không khí gia đình u ám và nặng nề đến mức chán chả muốn về nhà nữa".

Hôn nhân cũng như mọi mối quan hệ đều được vận hành bằng cảm xúc chúng ta dành cho nhau. Một cuộc hôn nhân lành mạnh cần được vận hành bằng những cảm xúc lành mạnh. Như yêu, như thương, như biết ơn, như ghi nhận, như bao dung, như cảm thông… 

Khi nó được sử dụng thành vũ khí thì nó không còn lành mạnh nữa rồi. Là dùng cảm xúc để tấn công nhau như quát mắng để đối phương sợ hãi. Kiểu đánh phủ đầu, đúng sai hạ hồi phân giải, cứ phải người miệng to hơn người đó cầm trịch. Đàn ông gia trưởng vẫn làm cách này. Cứ phải "cả vú lấp miệng em" cái đã. 

 "Giã từ vũ khí" cảm xúc- Ảnh 1.

Nhà văn Hoàng Anh Tú

Phụ nữ thì hay dùng cảm xúc nạn nhân làm vũ khí. Là quy kết ngay chồng chẳng quan tâm gì đến vợ và gia đình này. Là nước mắt dạt dào, tức tưởi. Hoặc tệ hơn, dùng chiến tranh lạnh để giải quyết các vấn đề nóng. Có thể cũng vì họ đã từng thành công khi sử dụng nó nên nhiều người áp dụng nó thường xuyên.

Dùng cảm xúc như một thứ vũ khí khác với dùng cảm xúc để nuôi dưỡng mối quan hệ ở chỗ nó luôn phân định thắng thua trong mối quan hệ đó. Kẻ thắng là kẻ đã khiến đối phương phải phục tùng, phải chấp nhận. Không cần biết cảm xúc của đối phương thế nào, họ chỉ quan tâm đến họ có đạt mục đích của họ hay không. 

"Nhà là phải có nóc. Vợ em đúng là nóc nhà của em. Cô ấy luôn biết cách làm cho em thấy em sai, em phải xin lỗi cho dẫu cô ấy sai lè ra. Lý luận của cô ấy luôn là "Chồng phải…". Nhiều khi cô ấy làm rơi vỡ đồ cũng là do lực hút của trái đất chứ không phải lỗi của cô ấy. Em rơi vỡ đồ là em hậu đậu. 

Đôi lần em thử nói chuyện cho rõ ràng thì kết quả luôn là bị vợ dỗi có khi cả tháng. Mà những lúc như vậy, em buồn lắm khi trở về nhà. Con cái cũng buồn theo. Về nhà như hầm băng vậy. Rốt lại, em thôi, nhận sai hết cho yên cửa yên nhà".

Nên nhiều người vợ cũng vậy, chọn nuốt vào trong mọi thứ vì không muốn cứ nói là thành to chuyện, ầm ĩ. Cứ nuốt mãi, nuốt mãi đến khi chịu hết chỗ đựng thì nổ toang hoang. Hôn nhân từ ấy thành thứ hôn nhân một chiều, chồng theo lối chồng, vợ làm cách vợ. Thương tổn do vậy mà cứ nặng, cứ sâu, cứ không sao se miệng được.

Sử dụng cảm xúc như một món quà

Cảm xúc là một món quà chứ không phải là một vũ khí. Là trao tặng nhau chứ không phải tấn công nhau. Là dùng cảm xúc để nuôi dưỡng hôn nhân, tưới tắm cho cuộc hôn nhân đó. Mà muốn vậy, đừng chỉ đòi hỏi đối phương phải làm gì thì mình mới cho quà. Giống như kiểu trả đũa, anh làm tôi đau, tôi cũng phải khiến anh đau. 

Người chồng chiến tranh nóng sẽ gặp người vợ chiến tranh lạnh. Cả hai đều thi nhau làm đối phương tổn thương không biết điểm dừng.

Nhiều người luôn nói: Dùng dao đối sắc, dùng đường đối ngọt. Mà cư xử với nhau. Nó có thể đúng với người đời ngoài kia nhưng vợ chồng thì đừng nên như thế. Dù đúng là bị tấn công thì làm sao có thể thương cho nổi. Nhưng vợ chồng mà, không thương nhau thì mong sao hôn nhân đi đường xa cho được? Vợ chồng mà, hơn thua tranh thắng với nhau đến bao giờ đây?

Thắng vợ, thắng chồng thì hôn nhân thua trận. Nên thay vì cứ đợi đối phương phải đối ngọt với mình thì mình mới đường mật trở lại, sao không dùng cảm xúc như một món quà cơ chứ?

"Khi anh ấy nổi nóng, tôi sẽ dừng lại, không tham chiến. Nhưng không phải kiểu trả đũa bằng sự im lặng đâu. Mà là nhẹ nhàng bảo anh ấy: Em chờ anh hết nóng rồi chúng ta nói lại chuyện này sau nhé! Vài lần như vậy tự khắc chồng tôi thay đổi, anh ấy biết rằng nóng nảy chẳng giúp ích gì cho cuộc đối thoại này. 

Chúng tôi luôn cố gắng giải quyết mọi vấn đề nảy sinh thay vì chỉ tức lên xả vào nhau rồi để vấn đề đó chìm xuồng. Bởi khi chúng ta tấn công đối phương bằng cảm xúc của mình, thứ chúng ta muốn chỉ là chiến thắng. Trong khi hôn nhân cần sửa chữa từng chút một để tốt lên cơ mà. Ai thắng ai bại phỏng có ích lợi chi cho hôn nhân này?". 

Một người vợ như thế bảo sao chồng không trưởng thành mỗi ngày cho được? Trưởng thành trong hôn nhân là thế, là khi ta bỏ lại cảm xúc thắng thua để tặng nhau cảm xúc lành mạnh, khiến hôn nhân mỗi ngày một tốt lên.

Có một lần hai vợ chồng tôi cãi nhau rất lớn, tôi cũng áp dụng cách này, để vợ xả hết cơn cáu giận đi, không nghĩ về đúng sai hay gì sất, chỉ là để vợ xả cho xong. Rồi tôi chọn một thời điểm thích hợp khác để nói chuyện với vợ. Không phân định ai đúng ai sai mà chỉ đơn giản là để việc tương tự không xảy ra nữa. 

Tôi vẫn nói với vợ mình rằng tôi cảm ơn vợ vì đã không chọn im lặng. Và tôi cũng may mắn hơn nhiều người chồng vì vợ tôi là người rất hay qua cơn giận dữ sẽ nghĩ lại mấu chốt của vấn đề ở đâu.

Dùng cảm xúc như một món quà phải bắt đầu từ việc chúng ta chọn lắng nghe cảm xúc của đối phương cái đã. Cân nhắc việc dùng cảm xúc nào để không làm cho đối phương tổn thương thêm. Và quan trọng hơn cả, hãy cho đối phương thấy những cảm xúc tiêu cực kia không giải quyết được vấn đề.

 Hạnh phúc của quản trị cảm xúc

Chúng ta đau khổ bởi chúng ta để cho cảm xúc quyết định cách hành xử của chúng ta với bạn đời. Khi đang vui thì cái gì cũng là chuyện nhỏ, đang yêu thì lỗi lầm nào cũng dễ dàng tha thứ. Đúng thôi, nhưng hôn nhân là cả một hành trình đến cuối đời nên nó cần có những kế hoạch rõ ràng, nguyên tắc ứng xử cũng như sự tôn trọng nhau.

Tách hành vi ra khỏi cảm giác là thứ đầu tiên chúng ta cần phải học và luyện. Tôi nhớ mãi có lần hai vợ chồng tôi cãi nhau rất lớn, vợ tôi thay vì hất đổ mọi thứ, cô ấy chọn cách việc nào ra việc đó, vẫn nấu cơm bình thường, vẫn nhắc tôi uống thuốc. Điều đó khiến cơn giận trong tôi cứ như mủn ra và bay hơi. 

Tất nhiên, sau đó tôi cũng như vợ mình, tự tách hành vi ra khỏi cảm xúc để dọn nhà, chăm con. Chúng tôi không để cảm xúc dắt mũi mình nữa và đó cũng là lý do mà gần 20 năm qua, hai vợ chồng tôi hiếm khi lạnh lùng với nhau quá 24h vậy.

Tôn trọng và thừa nhận cảm xúc của đối phương. Con người là 7749 cung bậc cảm xúc, việc chúng ta cấm đối phương bày tỏ cảm xúc khi tức giận, lúc mệt mỏi, ngày khó chịu là thứ rất không nên. Nhưng không phải cảm xúc nào cũng được quyền quyết định mối quan hệ này.

Tôn trọng không có nghĩa là cho phép. Thừa nhận không có nghĩa là đồng tình. Chỉ là để đối phương hiểu mình hiểu cảm xúc của đối phương. Và cùng nhau tìm ra giải pháp thay vì chỉ giải toả cảm xúc không thôi.

Thành thật với cảm xúc của mình không phải là thế nào cũng được mà là sự cân nhắc giữa nỗi buồn trong mình với thương tổn của người kia. Để thành thật với nhau hơn. Sự thành thật đó cũng chính là cách chúng ta xây dựng gắn kết, tin cậy vào nhau.

Cuối cùng, bạn thân mến của tôi ơi! Quản trị cảm xúc của mình cũng chính là cách chúng ta trở nên hoàn thiện lên sau mỗi ngày, làm cho hôn nhân của chúng ta trở nên giá trị hơn, gắn bó hơn. Đừng dùng cảm xúc như thứ vũ khí nữa, được không?

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn