Tại Hà Nội, đại diện một cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông cho biết, tính tới thời điểm 8h sáng ngày 10/2, cửa hàng chưa có thống kê lượng vàng bán ra, mua vào. Tuy nhiên, năm nay, lượng khách giảm 50% so với dịp Thần tài các năm trước.
Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng tích cực, cộng với việc thị trường trong nước bước vào ngày vía Thần Tài với nhu cầu mua vàng tăng mạnh của người dân, cả vàng miếng và vàng trang sức đang ghi nhận diễn biến tăng mạnh trở lại.
Đến 8h15, hầu hết các doanh nghiệp lớn đã niêm yết giá. SJC công bố giá thu mua là 61,65 triệu đồng/lượng, còn giá bán ra là 62,65 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng/lượng so với chốt phiên 9/2. Chênh lệch mua bán lên rất rộng, 1 triệu đồng/lượng.
Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá vàng miếng ở mức 61,65 - 62,55 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 350.000 đồng chiều mua và 450.000 đồng chiều bán so với ngày 9/2.
Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng mua vào ở mức 61,1 triệu đồng/lượng và bán ra ở 62,7 triệu đồng, tăng tương ứng 100.000 đồng giá mua và 400.000 đồng giá bán so với chiều hôm trước.
Trước ngày vía Thần tài 3 hôm, giá vàng liên tục biến động. Cụ thể, ngày 7/2, SJC ở Hà Nội giao dịch ở mức 62,8 - 63,47 triệu đồng/lượng (mua - bán), đây là mức tăng kỷ lục của giá vàng từ trước đến nay. Ngày 8/2, giá vàng đột nhiên giảm mạnh ở cả 2 chiều mua và bán. Trong đó, giá vàng ở chiều mua giảm 1 triệu đồng/lượng còn 61,8 triệu đồng/lượng, còn chiều bán ra giảm 950.000 đồng/lượng. Ngày 9/2, thị trường vàng vẫn lao dốc khi SJC ở Hà Nội là 61,35 - 62,17 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 450.000 đồng/lượng ở chiều mua vào giảm 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên 8/2.
Theo các chuyên gia, nếu nhìn trực quan 3 năm trở lại đây, giá vàng thường tăng giá sốc vào ngày vía Thần Tài và ngay sau đó thì mất giá không phanh. Như vậy có thể thấy, những ai mua vàng vào ngày vía Thần Tài thì chỉ sau một ngày đã lỗ nặng, đặc biệt nếu mua vào với số lượng lớn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn