Từ cuối tuần trước tới nay, giá vàng tăng giảm chóng mặt trong khoảng từ 87 – 92 triệu đồng. Điển hình trong phiên cuối tuần trước, giá vàng phi mã tới 5 triệu đồng/lượng, xác lập mức giá cao nhất trong lịch sử với 92,4 triệu đồng/lượng.
Sang đầu tuần, giá vàng SJC tiếp tục nhảy múa, tăng/giảm liên tục cả triệu đồng trong một ngày quanh ngưỡng 90 triệu đồng/lượng.
Trước phiên đấu thầu thứ 6 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hôm nay, SJC hạ tiếp 1 triệu đồng và duy trì tới suốt phiên hôm nay, xuống 86 – 89 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Chênh lệch hai chiều mua – bán lên ngưỡng 3 triệu đồng/lượng, điều này càng tăng thêm rủi ro cho người mua/đầu tư vàng.
Diễn biến giá vàng SJC từ 14/4 - 14/5/2024
Kết quả phiên đấu thầu hôm nay có phần khởi sắc khi đạt số lượng trúng thầu cao nhất từ trước tới nay, là 8.100 lượng vàng miếng với 8 đơn vị trúng thầu, chiếm 48% quy mô 16.800 lượng vàng chào thầu. Giá trúng thầu cao nhất là 87,73 triệu đồng, giá thấp nhất là 87,72 triệu đồng.
Còn với vàng nhẫn, giá vàng cũng giảm nhẹ nhưng không đáng kể, quanh mốc 76 triệu đồng/lượng.
Bảo tín Minh Châu có mức giá cao nhất là 75,03 – 76,43 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại thị trường thế giới, giá vàng giao dịch quanh vùng giá 2.340 USD/ounce.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, Học viện Tài chính, giá vàng thế giới đang dao động trong vùng giá cao sau khi tăng mạnh trở lại vào cuối tuần trước, điều này phần nào tác động tới xu hướng tăng của giá vàng trong nước.
Diễn biến giá vàng thế giới hiện tại
Về xu hướng tăng giá, vàng SJC là mặt hàng không cần phải đo lường về chuyện thật – giả, đảm bảo về chất lượng hơn so với vàng 9999. Giá vàng SJC từ đó leo thang, cách xa giá vàng nhẫn tới cả chục triệu đồng. Sau đó, một bộ phận nhà đầu tư lại chuyển sang đầu tư vàng nhẫn trơn, giá vàng nhẫn cũng tăng theo.
Ngoài ra, đến nay, dù NHNN đã can thiệp bằng cách tổ chức đấu thầu vàng nhưng giá vàng vẫn tăng cao.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, điều này sẽ tác động tới tâm lý nhà đầu tư rằng: giá vàng vẫn sẽ tăng tiếp và chấp nhận đu đỉnh trước khi vàng lại tăng cao hơn, dẫn đến nhu cầu gia tăng nhưng lượng vàng được cung ứng còn ít ỏi.
Lý giải cho việc giá sàn chào thầu của vàng còn cao khiến kết quả đấu thầu không đạt được kỳ vọng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu: "Vàng được đấu thầu là tài sản công của Nhà nước, do vậy giá chào sàn phải theo giá thực tế của thị trường, không thể thấp hơn được".
Ngoài ra, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng đưa ra chính sách hạn chế lượng mua vàng với mỗi khách hàng, như: chỉ được mua bao nhiêu chỉ/lượng trong 1 ngày, lượng cung sẽ bị thu hẹp, góp phần khiến vàng trở nên khan hiếm hơn trong thị trường.
Những yếu tố trên đã cộng hưởng lẫn nhau, đẩy nhu cầu thị trường vàng gia tăng trong lúc nguồn cung còn hạn chế, khiến giá vàng nhảy múa thời gian qua.
Đánh giá về kết quả đầu thầu đang có tiến triển tích cực hơn các phiên trước, ông Thịnh nhận định, nếu lượng cung tăng hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu thì chắc chắn giá vàng trong tương lai sẽ giảm, thậm chí kéo theo một số người mua/đầu tư bán ra để thu lời/cắt lỗ, khiến giá vàng được thúc đẩy giảm tiếp.
Ông cho biết thêm, để ổn định thị trường vàng, cơ quan quản lý, chính quyền cần tăng cường thắt chặt trong quản lý thị trường vàng, đảm bảo tính minh bạch và công khai, như: mua vào - bán ra bao nhiêu, xuất khẩu/nhập khẩu ra sao,… từ đó xác định được chính xác lực cung – cầu của thị trường, tránh tình trạng nhập lậu, "vàng hoá", thao túng thị trường vàng,…
Còn với nhiều đề xuất được đưa ra là cho phép doanh nghiệp xuất/nhập khẩu vàng trở lại thì vị chuyên gia này nhấn mạnh, sẽ cần phải xem xét nhiều khía cạnh vì tiềm ẩn nhiều rủi ro về tiền tệ khi sức ép ngoại tệ đang rất lớn.
Trước diễn biến bất thường hiện nay, NHNN đã thông báo sẽ tăng cường thêm các giải pháp can thiệp vào thị trường vàng, người dân nên thận trọng khi giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn