"Giá vàng thế giới tăng 1 mà trong nước tăng 3 là không chấp nhận được"

12:13 | 04/01/2024;
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng, giá vàng thế giới tăng 1 mà trong nước tăng 3 là không chấp nhận được. Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi nghị định 24 để có giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp với thực tế nhất.

Những ngày cuối năm 2023, giá vàng miếng SJC trong nước liên tục nhảy múa. Trong khi vàng nhẫn, nữ trang ổn định trong khoảng 63-64 triệu đồng/lượng thì giá vàng miếng SJC vọt lên mức kỷ lục, hơn 80 triệu đồng/lượng. Và những ngày sau đó, giá vàng miếng liên tục tăng giảm với biên độ vài triệu đồng mỗi ngày, thậm chí trong vài giờ, dẫn đến chênh lệch giá trong nước so với thế giới 20 triệu đồng/lượng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng, giá vàng thế giới tăng 1 mà trong nước tăng 3 là không chấp nhận được, đồng thời cho rằng nhiều tin đồn thất thiệt có tính chất đầu cơ đã xuất hiện khiến thị trường vàng biến động mạnh những ngày qua.

"Nhà nước tôn trọng quyền bảo quản, cất trữ, mua bán vàng của người dân nhưng không khuyến khích kinh doanh, bảo hộ cho giá cả", ông Tú khẳng định.

Tại công điện mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức… Đồng thời, tổng kết thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thị trường vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét bổ sung các quy định bảo đảm nâng cao hiệu quả công cụ quản lý nhà nước.

Năm 2012, Nghị định 24 ra đời đã quy định, Ngân hàng Nhà nước quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vàng miếng, nhưng từ 2014, không cấp phép nhập khẩu vàng về để sản xuất vàng miếng. Do đó, khiến nguồn cung vàng nguyên liệu bị hạn chế, đẩy giá vàng SJC có thời điểm cao hơn đến 17 triệu đồng/lượng so với các thương hiệu khác. Kéo theo đó, nhiều doang nghiệp sản xuất vàng cũng gặp khó khi tìm vàng nguyên liệu.

Theo ông Tú, Nghị định 24 đã ra đời hơn 10 năm trước với mục đích quan trọng nhất thời điểm đó là chống vàng hóa trong nền kinh tế, không để thị trường vàng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lãi suất, tỉ giá, thị trường ngoại tệ... vì vàng có mối quan hệ với những yếu tố này.

"Ngay câu chuyện lấy vàng SJC là thương hiệu vàng miếng độc quyền cũng là phù hợp với bối cảnh lúc đó" – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và NHNN lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được NHNN quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng. SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của NHNN.

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không bảo hộ giá cả vàng miếng SJC, cũng không chấp nhận chênh lệch vàng SJC và thế giới hơn 20 triệu đồng mỗi lượng, hay cùng là vàng 24K nhưng giá vàng SJC cao hơn các loại vàng khác hơn chục triệu đồng/lượng.

"Thời gian tới, NHNN sẽ sửa đổi nghị định 24 và sẽ lấy ý kiến rộng rãi để có giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp với thực tế nhất" – Phó Thống đốc khẳng định.

"Giá vàng thế giới tăng 1 mà trong nước tăng 3 là không chấp nhận được"- Ảnh 1.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phát biểu

Cần sửa Nghị định 24 theo hướng thị trường hơn

Không thể phủ nhận Nghị định 24 đã góp phần quan trọng trong việc chống vàng hóa, chống đô la hóa nền kinh tế và nâng cao giá trị tiền đồng giai đoạn 2012. Nhưng sau hơn 10 năm, khi kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát thì nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi Nghị định 24 theo hướng thị trường hơn, để giúp giảm chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng các thương hiệu khác.

Cụ thể, để hạn chế tình trạng mất cân bằng cung - cầu, các chuyên gia nhấn mạnh cần sửa cơ chế cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, nhất là cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang vàng trong nước khỏi thu gom hàng trôi nổi.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, hiện tại, khi nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, cần tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường, tạo sự cạnh tranh cho tất cả thành phần kinh tế. Vàng miếng SJC được công nhận là thương hiệu quốc gia đã giúp ổn định thị trường vàng trong quá khứ nhưng thời điểm này nên xóa bỏ độc quyền để thị trường bình đẳng hơn. Do đó, NHNN có thể sớm xem xét cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sửa Nghị định 24 theo hướng thị trường hơn.

Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - NHNN, cho biết, NHNN đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24 và sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp hơn.

"NHNN đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, DN và chuyên gia về việc tổng kết, đánh giá Nghị định 24. Trong tháng 1 này, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24 lên Chính phủ, kèm theo đề xuất sửa đổi, bổ sung một số cơ chế quản lý phù hợp với bối cảnh mới của thị trường" - ông Tuấn cho hay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn