Giá xăng tăng, tài xế công nghệ loay hoay mưu sinh

09:00 | 07/06/2022;
Việc giá xăng liên tục lập đỉnh trong thời gian qua khiến nhiều tài xế xe ôm công nghệ gặp khó khăn. Chị Lê Thị Thảo (39 tuổi, quê Hưng Yên) cho biết, từ khi xăng lên giá, chị phải làm cùng một lúc nhiều công việc. “Buổi sáng từ 6h đến 9h tôi đi bán xôi. Từ 9h đến 16h40 thì đi chạy xe Grab. Từ 17h đến 19h tôi đi rửa bát thuê cho một nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Tuy mệt nhưng nếu không làm cùng lúc nhiều việc như thế thì không đủ chi tiêu cho gia đình”, chị Thảo nói.

Khó khăn này vừa qua, khó khăn khác ập tới

Khoảng 5 năm trở lại đây, nghề lái xe công nghệ được xem là nghề có mức thu nhập tốt so với mặt bằng chung của người lao động. Nhiều tài xế chia sẻ rằng, thu nhập của họ ở những tháng cao điểm trung bình từ 20 triệu đến 25 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương liên tục thực hiện giãn cách xã hội, tài xế công nghệ không được hoạt động khiến họ xoay xở để mưu sinh. Việc mở cửa trở lại hoàn toàn nhiều dịch vụ đã giúp tài xế công nghệ vực dậy phần nào. Thế nhưng, khó khăn này vừa qua, khó khăn khác lại ập tới khi giá xăng những ngày gần đây liên tục lập đỉnh.

Sau kỳ điều chỉnh giá ngày 1/6 vừa qua, mỗi lít xăng tăng giá lên mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện tại, mỗi lít xăng E5 RON92 có giá hơn 30.000 đồng, xăng RON95 là hơn 31.000 đồng. Việc giá xăng liên tục tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến giới tài xế công nghệ (cả xe 2 bánh và 4 bánh). Nhiều người đã bỏ nghề vì thu nhập giảm.

Chị Lê Thị Thảo cho biết, cách đây mấy tháng, khi xăng còn ở giá 18.000 đồng/lít, thì chỉ cần chạy xe thôi vẫn kiếm được đủ đóng tiền nhà và nuôi gia đình. Thế nhưng, từ khi xăng lên 30.000 đồng/lít, chị phải làm cùng một lúc nhiều công việc. "Buổi sáng từ 6h đến 9h tôi đi bán xôi. Từ 9h đến 16h40 thì đi chạy xe Grab. Từ 17h đến 19h đi rửa bát thuê cho một nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Tuy là mệt nhưng nếu không làm cùng lúc nhiều việc như thế thì không đủ chi tiêu cho gia đình. Mong là giá xăng giảm xuống và giá cước xe tăng lên một chút để những người làm nghề xe ôm như chúng tôi có thể kiếm sống", chị Thảo nói.

"Trước đây, tôi đổ 50.000 đồng tiền xăng là chạy cả ngày, nay phải chi gấp đôi, lên 100.000 đồng. Trong khi ngày nào chạy nhiều thì tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng, trừ tiền xăng xe và ăn uống đi nữa là hết tiền. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã bỏ chạy xe công nghệ để tìm công việc khác do chạy xe không đủ nuôi gia đình", anh Nguyễn Văn Công (31 tuổi, quê Bắc Ninh, tài xế xe Grab) chia sẻ.

Anh Công cho biết, giá cước đã được điều chỉnh từ những đợt tăng giá xăng dầu trước. Từ đó đến nay, lượng khách đi xe giảm hẳn, đồng nghĩa với việc thu nhập của tài xế cũng giảm. Nhiều người có nhà ở Hà Nội còn dễ sống, chứ những người phải đi thuê nhà thì tiền kiếm được không đủ sống. "Tôi đang tính vừa chạy xe Grab vừa bán hàng trên mạng. Ai đặt mua gì thì mình sẽ tự đi giao luôn. Coi như tự mình tạo ra công việc cho mình, chứ chạy Grab, có khi ngồi cả ngày không được chuyến nào. Nếu việc bán hàng ổn, tôi sẽ chuyển sang lĩnh vực này. Còn không ổn thì tôi vẫn chạy Grab", anh Công nói.

Anh Nguyễn Văn Thắng (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, anh vay tiền mua xe ô tô để chạy taxi nhưng giờ thu nhập giảm, không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng, đang có nguy cơ bị siết nợ. Để giảm bớt tiền xăng, nhiều tài xế taxi chọn cách đậu xe tại chỗ, chờ tổng đài thông báo có khách mới dám nhận cuốc, chứ không chạy lòng vòng bắt khách như trước đây vì không kham nổi tiền xăng. Tuy nhiên, không phải cuốc nào họ cũng nhận, nếu chuyến xe có số km quá ngắn họ sẽ bỏ qua, vì tiền cước không đủ đổ xăng.

Trong khi chờ đợi thị trường xăng dầu ổn định trở lại và giá cước được điều chỉnh, nhiều lái xe công nghệ cho biết, họ phải nghĩ ra nhiều cách để duy trì công việc hoặc tạm thời chuyển sang nghề khác để kiếm sống.

Giá xăng tăng, tài xế công nghệ loay hoay mưu sinh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: TTXVN

Giải pháp nào cho tài xế?

Là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực vận tải, ông Bùi Danh Liên cho rằng, với mức giá xăng dầu hiện nay, doanh nghiệp ở vào thế khó bởi nếu không tăng cước thì "càng chạy càng lỗ", nếu tăng giá để bù đắp chi phí nhiên liệu thì e ngại không có khách. "Xe không hoạt động sẽ không có tiền trả lãi vay, lương cho người lao động và mất nguồn khách hàng quen thuộc. Với lĩnh vực vận tải hành khách liên tỉnh và taxi, họ chưa thể tăng giá ngay do phải thực hiện các thủ tục phê duyệt, in lại vé, đổi vé, thay biển báo, đồng hồ... trong khi giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục biến động mạnh thời gian tới. Hiện tại mặt bằng giá cả hàng hóa, nhất các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… rục rịch tăng từ 5% đến 30%, từ đó đánh trực tiếp vào túi tiền của người dân. "Cú sốc" từ giá xăng dầu bồi liên tục, khiến khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam gặp không ít trở ngại", ông Liên nói.

Để khắc phục tình trạng này, ông Liên cho rằng, cần điều hành tốt giá xăng dầu bằng việc giảm bớt phí, thuế, tổ chức tốt hơn hệ thống phân phối để lưu thông hàng hóa thông suốt. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, cần gấp rút hạ mức thuế bảo vệ môi trường, bỏ lợi nhuận định mức, bỏ quỹ bình ổn giá để kìm giá xăng xuống.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm nhận định, giải pháp tối ưu trước mắt chính là hạ giá xăng dầu bằng cách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này. Xăng dầu được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế, trong đó có những ngành phần lớn sử dụng nguyên liệu là xăng dầu như ngành vận tải. Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu là một trong những giải pháp kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu trong nước, giúp giảm chi phí đầu vào, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, khẳng định giá cước taxi sẽ phải tăng nhưng theo ông Hùng, tăng giá vào thời điểm nào, mức tăng như thế nào thì cần nghiên cứu và đánh giá tình hình. Bởi hiện nay, trong "cơn bão" giá, bên cạnh lái xe, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, người dân cũng đang gặp khó khăn về tài chính. Nếu tăng giá cước, sẽ chỉ khiến khách hàng "quay lưng" với dịch vụ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn