“Vũ hội Ánh Dương”, show diễn của hơn 200 diễn viên trên đỉnh Bà Nà (Đà Nẵng) có lẽ là một trong những show giải trí đến được với nhiều người xem nhất tại Việt Nam. Từ khi bắt đầu cuối tháng 5/2019 đến nay, với 2 suất diễn mỗi ngày, khán đài 3.000 chỗ ngồi chưa khi nào vắng khách.
Nếu từng đến Disney Land hay Universal…, nơi du khách tính từng phút để kịp chứng kiến những cuộc diễu hành, show diễn dạng carnival, người xem sẽ không quá bất ngờ với sức hút của Vũ hội Ánh Dương, bởi đây là một trong những “đặc sản” của loại hình công viên giải trí, giúp níu chân du khách cả ngày trời trong các khu giải trí rộng hàng chục hecta để trải nghiệm những dịch vụ khác.
Theo thống kê của Hiệp hội Các loại hình giải trí theo chủ đề (TEA), 10 chuỗi công viên lớn nhất thế giới về loại hình này đã thu hút hơn 501 triệu lượt khách năm 2018, mở ra một ngành công nghiệp với mức chi tiêu hàng năm lên tới hàng chục tỷ USD (44,8 tỷ USD năm 2017, số liệu của Hiệp hội Các công viên giải trí và du lịch quốc tế - IAAPA).
Từ “Đường lên tiên cảnh”…
Mô hình công viên chủ đề trên thế giới xuất hiện khá sớm, song dấu mốc mang tính bước ngoặt được tính từ sự ra đời của Disney Land năm 1955, mở đầu cho những tên tuổi khác sau đó như Merlin, Universal, Fantawild hay Chimelong. Tại Việt Nam, những khu vui chơi theo dạng “all-day” (cả ngày) manh nha từ giữa những năm 90 tại TP HCM, Hà Nội, sau đó là Quảng Ninh, Bình Dương… Tuy vậy, phần lớn trong số đó vẫn chỉ thu hút được khách tại chỗ hoặc một số địa phương lân cận, khó trở thành một điểm đến toàn quốc, chứ chưa nói tới việc vươn tầm ra thế giới.
Những năm 2000, du lịch Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ, song cũng mới dừng ở việc phát triển hạ tầng lưu trú, dựa vào lợi thế phong cảnh tự nhiên. Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng chép miệng khi bàn về việc các dự án nghỉ dưỡng của Việt Nam dù đầu tư hoành tráng nhưng đều "khuyết" mảng giải trí. "Một số khu resort, du khách không biết làm gì khác ngoài đi bơi - ăn uống - về phòng nghỉ ngơi”.
Chỉ đến giai đoạn 2007-2009, khi một số chủ đầu tư có tiềm lực trong nước bắt đầu rót vốn vào những khu du lịch phức hợp quy mô lớn, các hoạt động bên ngoài nhu cầu “ăn-nghỉ” của khách du lịch mới bắt đầu phát triển. Một mẩu quảng cáo được phát liên tục trên sóng truyền hình quốc gia khi đó khiến nhiều người Việt lần đầu biết đến một địa danh mang tên Bà Nà tại Đà Nẵng, kèm với đó là một ý niệm “Đường lên tiên cảnh”. Và chính sự tò mò về ý niệm này đã thôi thúc nhiều du khách nhất định tìm đến Bà Nà.
Quá trình biến Bà Nà Hills trở thành điểm “phải đến” bắt đầu vào năm 2009, khi chủ đầu tư Sun Group khai trương tuyến cáp treo đầu tiên, đưa du khách từ ga mặt đất lên tới các công trình vui chơi trên đỉnh Núi Chúa. Là một trong những người đầu tiên đi thử tuyến cáp treo Bà Nà năm 2009, ông Ngô Quang Vinh, khi đó là Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đánh giá, việc có được tuyến cáp treo lên Bà Nà đã tạo cú hích rất lớn cho ngành du lịch của Đà Nẵng.
Ông kể rằng lãnh đạo Đà Nẵng khi đó ý thức được hơn hết việc chỉ dựa vào mỗi biển thì du lịch thành phố sẽ không thể phát triển được. Tuy nhiên, dù đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường bộ lên Bà Nà từ cuối năm 1997, song trước khi có sự xuất hiện của tổ hợp Sun World, du lịch Bà Nà mới có khoảng 200 chỗ lưu trú, cố gắng lắm cũng chỉ phục vụ được khoảng 20.000 lượt khách/ năm. Vậy nhưng một thập kỷ qua, cùng với lượng du khách tới Bà Nà tăng gấp 160 lần, thì lượng du khách tới Đà Nẵng cũng đã liên tục tăng hơn 460%.
…đến giấc mộng “tỷ đô” cho du lịch giải trí Việt Nam
Một nghịch lý với du lịch Việt Nam là lượng du khách quốc tế đến tăng nhưng sức chi tiêu lại giảm. Năm 2017, du lịch Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, quá nhỏ nếu so với mức 12,6 tỷ USD của Indonesia, 18,4 tỷ của Singapore và 52,5 tỷ USD của Thái Lan. Một báo cáo của Tổng cục du lịch đã đưa ra con số ước tính thú vị về thị trường hàng tỷ USD mà ngành du lịch giải trí Việt Nam đã bỏ qua. Giả sử các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch của Việt Nam cũng có đủ các sản phẩm giải trí như Thái Lan thì mỗi năm, chỉ với mức tối thiểu hơn 7,5 triệu lượt khách du lịch, Việt Nam có thể thu thêm gần 3,2 tỷ USD, ngang bằng với Thái Lan.
Chính vì lý do này mà trong Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, việc đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mang tính đẳng cấp, thu hút thị trường ngách với khả năng chi tiêu cao là một trong những quan điểm chủ đạo. Cụm từ "giải trí" cũng được nhắc đi nhắc lại gần chục lần, xuất hiện ở những "mục tiêu", "định hướng" chủ chốt nhất nhằm phát triển ngành du lịch với những sản phẩm đa dạng.
Sự phát triển của hệ thống Sun World sau thành công của Bà Nà Hills, với các tổ hợp tiếp theo trên khắp cả nước như Fansipan Legend, Ha Long Complex, Danang Wonders hay Hon Thom Nature Park… có thể xem là những bước đi cụ thể để hiện thực hóa chủ trương này.
Trên thực tế thì ngành kinh doanh giải trí thông qua các công viên chủ đề trên toàn thế giới cũng đang trải qua giai đoạn phát đạt nhất. Với lượng khách tham quan lần đầu tiên vượt qua con số nửa tỷ người năm 2018, báo cáo của TEA nhìn nhận đã có 7% dân số thế giới đặt chân đến các công viên loại này trong năm qua (so với mức 5% cách đây 5 năm).
Để lọt vào top 20 công viên lớn nhất khu vực nêu trên, một công viên chủ đề cần đón tối thiểu 3,1 triệu khách mỗi năm. Điều này có thể khẳng định nằm trong tầm tay của những đại diện Việt Nam như Sun World Ba Na Hills.
Thực tế, để duy trì sức hút đối với khách du lịch, mô hình công viên chủ đề phải luôn giữ được sự mới mẻ. Sau 10 năm hoạt động, Bà Nà Hills luôn giữ được điều này, khi không ngừng cho ra đời những sản phẩm mới: Sau các tuyến cáp treo là Làng Pháp, tàu hỏa leo núi, các cụm du lịch tâm linh, tổ hợp vườn hoa, hầm rượu, khu vui chơi Fantasy Park cho đến các sự kiện lễ hội theo mùa…
Đặc biệt, kể từ hiện tượng Cầu Vàng tháng 6/2018, Bà Nà Hills nói riêng và Đà Nẵng nói chung đã chứng kiến những dòng khách lớn từ các thị trường mới như Thái Lan, Trung Đông… đổ về. “Gần đây, tôi gặp được nhiều nhóm khách, họ nói phải đến Đà Nẵng để lên Bà Nà, xem Cầu Vàng. Như thế là thành công của Đà Nẵng rồi!”, ông Ngô Quang Vinh - nguyên Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nói.