Giải áp đường mật cứu sống cụ bà 77 tuổi nguy cấp vì ung thư tụy

12:56 | 13/02/2020;
Các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 (TPHCM) vừa cấp cứu và chữa trị kéo dài sự sống cho nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư tụy xâm lấn đường mật gây tắc mật.

Vào tháng 9/2019, bà V.T.L. (77 tuổi, ngụ tỉnh Long An) đi khám bệnh vì mệt mỏi vàng da và được phát hiện ung thư ở thân đuôi tụy di căn hạch rốn gan, xâm lấn vào đường dẫn mật gây tắc mật.

2 tháng sau đó, bà L. được phẫu thuật nối túi mật hỗng tràng nhằm giải quyết tình trạng ứ mật. Khoảng 1 tháng sau cuộc mổ này, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng ngủ gà, lờ đờ, ngứa ran khắp người, ăn uống kém, tình trạng ứ mật ngày càng nặng, da càng ngày càng vàng sậm hơn.

Đến đầu năm 2020, bà L. rơi vào tình trạng lơ mơ và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115, được chẩn đoán tiền hôn mê gan, mức sắc tố mật tăng cao gấp 28 lần bình thường. Đây là tình trạng nguy cấp, bà có thể tử vong bất kỳ lúc nào.

Giải áp đường mật cứu sống cụ bà 77 tuổi nguy cấp vì ung thư tụy - Ảnh 1.

Đặt stent đường mật cho bệnh nhân

Sau khi hội chẩn và đánh giá tình trạng của bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Gia An 115 đã quyết định can thiệp giải áp đường mật khẩn cấp. Ths.BS  Nguyễn Thế Toàn, Phó Khoa Ngoại -  Bệnh viện Gia An 115 tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) đặt stent kim loại ống gan phải và ống mật chủ.

Sau thủ thuật, tình trạng vàng da của bệnh nhân đã cải thiện rõ, tình trạng suy gan cấp không còn, mức sắc tố mật trong máu giảm 75%. ERCP là kỹ thuật xâm lấn tối thiểu nên vẫn có thể thực hiện được ở những bệnh nhân suy kiệt nặng, rất cao tuổi (80-90 tuổi) hoặc nhiễm trùng đường mật nặng có suy đa tạng.

Theo bác sĩ Toàn, đối với các bệnh nhân ung thư tuyến tụy được phát hiện ở  giai đoạn muộn và không cắt bỏ được khối u nguyên phát vì quá chỉ định, việc điều trị giảm nhẹ và xử lý các biến chứng gây ra do xâm lấn, di căn, đặc biệt là biến chứng tắc mật cùng với hóa trị giai đoạn tiến xa là một giải pháp nên được tiến hành để bệnh nhân có thể sống lâu hơn. Bệnh nhân không được thực hiện các biện pháp này sẽ tử vong do biến chứng của ung thư di căn và xâm lấn chứ chưa phải do bản thân khối u tụy.

Giải áp đường mật cứu sống cụ bà 77 tuổi nguy cấp vì ung thư tụy - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

"Chúng ta không nên đầu hàng trước các trường hợp ung thư giai đoạn cuối. Với phương pháp điều trị đa mô thức phối hợp phẫu thuật, hóa trị, nâng đỡ dinh dưỡng, người bệnh có thể kéo dài thời gian sống với chất lượng cuộc sống tốt hơn", bác sĩ Toàn cho hay.

Theo tổ chức Ung thư toàn cầu, năm 2018 Việt Nam có gần 1.000 người mắc mới ung thư tụy và gần 900 trường hợp tử vong. Ung thư tụy khó phát hiện do tuyến tụy nằm sau dạ dày, siêu âm ổ bụng thường quy ít khi nhìn thấy rõ, ngay cả chụp cắt lớp vi tính cũng khó nhìn thấy các khối u có kích thước nhỏ. Hơn nữa, các triệu chứng thường mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với viêm dạ dày, chỉ khi người bệnh bị sụt cân, vàng da, vàng mắt hoặc xuất hiện cục bướu ở ổ bụng thì mới được phát hiện, lúc này thường quá trễ để cắt bỏ khối ung thư tụy. Khối u phát triển sẽ chèn ép vào đường mật, gây tắc mật, gan bị ứ mật và suy gan. Bệnh nhân chết do suy gan trước khi chết do ung thư tụy.

Các dấu hiệu như đau bụng, xuất hiện cục máu đông không rõ nguyên nhân, tiêu chảy, vàng da, giảm cân không rõ nguyên nhân, ăn uống kém... thường là khởi đầu của bệnh lý ác tính của hệ tiêu hóa, trong đó có tuyến tụy, cần đi khám để phát hiện chữa trị kịp thời.

Nếu được phát hiện sớm và còn chỉ định phẫu thuật, chỉ khoảng 5% bệnh nhân sống sót sau 5 năm, 95% sẽ tử vong trước 5 năm. Nếu không phẫu được, 60-70% tử vong trong những năm đầu. Do đó ung thư tụy còn được gọi ung thư tử thần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn